Chính sách NƠXH ở đô thị được Nhà nước ban hành là một quy định mang tính nhân văn và có lợi cho người dân. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai trong những năm vừa qua cho thấy, chính sách này vẫn chưa được sự hưởng ứng tích cực từ phía các chủ đầu tư.
Xuất phát từ thực tế người có thu nhập thấp không đủ điều kiện sinh sống tại các dự án biệt thự hay căn hộ cao cấp, Bộ Xây dựng đang kiến nghị cho phép các chủ đầu tư có dự án không phù hợp làm NƠXH được trả bằng tiền thế chỗ.
Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở quy định, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 10 héc-ta trở lên có trách nhiệm dành 20% diện tích đất xây dựng dự án để xây dựng NƠXH.
Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, người nghèo, người thu nhập thấp cũng cần được hưởng các hạ tầng cơ sở hiện đại, chứ không đưa người nghèo sống tập trung một chỗ như một số nước đã thực hiện, vì rất dễ hình thành những khu ổ chuột.
Ngoài ra, việc đưa người nghèo ở tách biệt không khác nào cắt nguồn sống của họ, bởi khi ở xen lẫn, thì ngoài tạo ra sự giao thoa tốt, người nghèo cũng có thể buôn bán để kiếm sống.
Bên cạnh đó, do tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM, quỹ đất để phát triển NƠXH hiện nay rất hạn hẹp. Trong thời kỳ phát triển nóng, hầu hết các dự án xây dựng nhà ở đều tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp, mà bỏ quên phân khúc dành cho người thu nhập thấp, dẫn đến sự lệch pha trong quan hệ cung cầu.
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai thực hiện, quy định trên đã không thể thực hiện ở nhiều địa phương.
Đơn cử như tại Hà Nội, kết quả kiểm tra cho thấy, trong số 12 dự án nhà ở, khu đô thị mới của thành phố, có 1 dự án hoàn toàn không dành một chút quỹ đất nào để làm NƠXH theo quy định. Trong 11 dự án có dành quỹ đất, chỉ có 3 dự án triển khai xây NƠXH, 3 dự án chuyển đổi sang xây dựng nhà tái định cư, còn lại cho chuyển đổi sang nhà ở thương mại hoặc bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, trong số 11 lô đất dành làm nhà xã hội trong các dự án khác, mới có 4 lô có mặt bằng, còn 7 lô chưa được giải phóng mặt bằng.
Nhận xét về chính sách này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, chính sách NƠXH ở đô thị là một quy định mang tính nhân văn và nhìn chung là có lợi cho người dân. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, vẫn chưa được sự hưởng ứng tích cực từ phía các chủ đầu tư.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH, trong đó cho phép doanh nghiệp được để lại 20% diện tích làm NƠXH để xây nhà thương mại.
Tiếp đó, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 08/2014/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 188. Theo đó, trường hợp chủ đầu tư dành 20% tổng quỹ đất được giao trong phạm vi dự án phát triển NƠXH để đầu tư nhà ở thương mại thì được phép áp dụng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, quy định này vẫn không làm các doanh nghiệp mặn mà hơn. Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, tỷ suất lợi nhuận đối với NƠXH bị khống chế ở mức 10% là khá thấp, trong khi nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng, hay những rủi ro trong thi công, nên không hấp dẫn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đa số dự án bất động sản hiện nay đều đã được triển khai từ trước khi Nghị định 88 và Thông tư 08 ban hành. Chính việc thay đổi chính sách NƠXH đã làm xáo trộn mục tiêu, kế hoạch kinh doanh của các chủ đầu tư với dự án, như phải điều chỉnh lại quy hoạch, làm kéo dài thời gian, tăng chi phí và ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Đó chính là lý do khiến các chủ đầu tư không mặn mà với việc thực hiện đầu tư xây dựng loại dự án này.