Bỏ tiền ôm chung cư cũ
Những căn hộ tập thể khi xưa ở Thanh Xuân Bắc, Giảng Võ, Nam Đồng…
vốn nhỏ hẹp, nay đã được “cơi nới” diện tích sử dụng lên gấp 2-3 lần.
Những khoảng không vốn là diện tích chung của hàng trăm hộ, nay biến
thành diện tích riêng, tính ra cây vàng, nghìn “đô”…
Theo anh Hoàng Văn Năm, môi giới nhà đất khu vực Thanh Xuân Bắc, dù
cho thị trường BĐS đóng băng thì nhà chung cư cũ, nhà tập thể vẫn hút
khách. Theo anh, chung cư cũ có độ ổn định cao về mặt dân trí, hạ tầng
cơ sở và thường là có vị trí khá thuận lợi về đường sá và khoảng cách
tới trung tâm.
Đi lại rất thuận tiện, không quá xa như các khu chung cư mới và quan
trọng nhất là giá cả tương đối ổn định, lại không phải chịu thêm các
khoản phí dịch vụ như đối với các chung cư mới, người có điều kiện mà
nhất là dân đô thị cũ vẫn thích nhà tập thể hơn là chung cư mới.
Theo khảo sát của phóng viên TBNH, hàng loạt căn hộ tập thể Hà Nội ở
các phố Lý Nam Đế, Hàng Vôi, Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Hàng Bún,
Phạm Hồng Thái, Ngô Tất Tố, Nguyễn Trường Tộ… có tuổi đời từ trên 20 đến
gần 50 năm cũng đều được giao dịch với giá xấp xỉ 40-50 triệu đồng/m2.
Thậm chí, có những địa điểm giá tới 60 triệu đồng/m2 hoặc cao hơn
nữa. Các khu tập thể cũ tại một số khu vực như Mỹ Đình, Linh Đàm, Định
Công, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông thì giá trung bình khoảng 30 triệu
đồng/m2. Đây là cái giá khá cao so với các chung cư mới hiện nay.
Đơn cử giá của chung cư Trung Hòa - Nhân Chính hiện chỉ khoảng 42 -
45 triệu đồng/m2, dự án chung cư Hapulico mới hoàn thành được chào bán
giá 32-35 triệu đồng/m2, dự án chung cư 170 Đê La Thành đang trong giai
đoạn bàn giao nhà chào bán 35-36 triệu đồng/m2. Song, giá cao hơn nhưng
các chung cư cũ luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Anh Hoàng Văn Mỹ, chủ căn hộ mới mua tại B7 Thanh Xuân Bắc chia sẻ:
“Tôi cũng đắn đo mãi giữa mua chung cư mới hay tập thể cũ, khi đã quyết
mua tập thể cũ rồi mới thấy là mình sáng suốt”. Anh Mỹ tính toán, vỏn
vẹn chỉ có 1 tỷ đồng, nếu ôm căn hộ mới thì cả nhà phải “cày” vài năm
mới đủ trả nợ.
Đấy là chưa kể hàng tháng còn phải đóng gần 3 triệu đồng tiền phí vận
hành thang máy, thuê bảo vệ, tiền gửi xe… Với căn hộ tập thể cũ, ngoài
tiền gửi xe của hai vợ chồng ra, hàng tháng gia đình anh không phải đóng
thêm khoản dịch vụ nào. Trong khi đó, diện tích sử dụng lại như nhau.
“Còn mặt ngoài nhà thì ai để ý”, anh tâm sự.
Chỉ ra ngoài ban công, anh Mỹ cười: “Tôi vừa xuống nói chuyện với
tầng dưới để sắp tới cơi thêm phòng lên trên mái. Như thế là mình được
thêm 20 m2 nữa rồi, tính ra còn rẻ hơn chung cư mới mấy lần ấy chứ”.
Dù xập xệ nhưng nhà tập thể trong nội thành Hà Nội vẫn đắt khách
Theo phân tích của giới kinh doanh nhà đất, thị trường chung cư cũ
nội thành chưa khi nào có xu hướng giảm giá. Không ít người dân dư tiền
thậm chí còn thu gom bán kiếm lời, hoặc để dành như một khoản phòng mất
giá tiền tiết kiệm được.
Đây thậm chí không phải là xu hướng đầu tư mới mà đã thành truyền thống của thị trường nhà đất
Hà Nội. Do vậy, nhiều người dân có tiền mặt đã nhắm tới khả năng sinh
lời của loại chung cư cũ này, sẵn sàng thu gom các căn hộ được chủ rao
bán với giá chấp nhận được.
Do nhà mới thiếu minh bạch
Một trong những lý do khiến chung cư mới đìu hiu và chung cư cũ đắt
khách chính là cách làm chộp giật, thiếu minh bạch của các chủ đầu tư.
Anh Nguyễn Văn Hùng ở Hải Dương đã dồn hết vốn để mua một căn hộ chung
cư diện tích 98 m2 ở khu vực Mễ Trì (đối diện Trung tâm Hội nghị quốc
gia).
Tiền mua nhà được đóng làm 7 đợt, theo hợp đồng ký kết giữa người mua
và chủ đầu tư. Tuy nhiên, 8 tháng sau khi anh Hùng thanh toán toàn bộ
tiền, chủ đầu tư vẫn “chây ỳ” không chịu giao nhà. Lý do là chủ đầu tư
đang thiếu vốn để hoàn thiện công đoạn cuối.
Rút kinh nghiệm “sâu sắc” từ anh Hùng, anh Hoàng Mạnh Hải cũng từ bỏ ý
định mua chung cư mới, nộp tiền theo tiến độ, để chuyển sang mua chung
cư cũ. Anh tìm được một căn chung cư 38 m2 tại khu Thành Công với giá
1,6 tỷ đồng.
Anh Hải cho biết, căn nhà tuy có diện tích hẹp và phải sửa sang lại
nhiều chỗ, nhưng anh vẫn mua vì muốn có chỗ ở ngay trong nội thành. Hơn
nữa, nhà có giấy tờ đầy đủ, chính chủ, việc mua bán minh bạch khiến anh
yên tâm.
Thực tế cho thấy, các căn chung cư cũ có diện tích chỉ vào khoảng 30 -
60 m2/căn, thế nhưng đây lại là diện tích phù hợp với thu nhập của
nhiều gia đình trẻ. Anh Nguyễn Văn Thủy (Hà Đông - Hà Nội), một khách
hàng đang tìm mua nhà tâm sự: “Tôi cũng muốn mua một căn chung cư mới để
ở, song các căn hộ chung cư mới đều có diện tích lớn từ 80-100 m2/căn,
tính ra giá trị căn hộ lên đến 3-4 tỷ đồng, vượt quá khả năng tài chính
của gia đình.
Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội
lại có vị trí quá xa, nếu tính chi phi đi lại thì còn quá tiền thuê
nhà, nên tôi đang tìm mua một căn tập thể cũ chỉ khoảng 40-50 m2”.
Nhiều người có suy nghĩ như anh Thủy và đây cũng chính là lý do mà
nhiều chung cư mới xây với diện tích căn hộ lớn nhưng không bán được, đã
phải xin phép chia nhỏ diện tích.