Hiện nay có vô vàn những câu chuyện bi hài đang tồn tại xoay quanh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực vùng ven đô.
Đất ven đô và những chuyện bi hài
Hàng trăm dự án ở các đô thị đang trong tình trạng hoang hóa, đó là một sự lãng phí rất lớn. Thực trạng đó không chỉ khiến ngân sách nhà nước bị thất thu mà còn làm nhiều doanh nghiệp không được đáp ứng kịp thời nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh, đồng thời nhiều hộ dân nằm trong khu vực dự án cũng không thể canh tác trên thửa đất của chính mình. Đây đang là một thực tế đáng buồn mỗi lần kiểm kê quỹ đất dự trữ ở các đô thị.
Sự đô thị hóa nhanh sẽ tất yếu dẫn đến một lượng lớn đất nông nghiệp bị “nuốt” mất. Người nông dân vốn là những người chỉ trông vào ruộng đất thì nay phải tự vận động theo sự thay đổi của thời cuộc.
Về phía các chủ đầu tư, giá cả đền bù cao luôn là vấn đề khiến họ đau đầu. Giá đền bù và giá thị trường luôn có sự chênh lệch rất lớn. Và lí do được đưa ra là vì chi phí phát triển hạ tầng quá lớn. Cơ chế đấu thầu công khai chỉ được tiến hành ở các lô đất nhỏ lẻ, còn hầu hết các dự án có diện tích lớn vẫn được quyết định chủ yếu bằng cơ chế giao đất. Việc này làm nảy sinh rất nhiều khó khăn cho những người trong cuộc.
Tuy nhiên, giá đất không phải là vấn đề đáng lo duy nhất. Mất đất nông nghiệp, người dân sẽ không còn phương tiện sản xuất. Nhưng họ sẽ được đền bù một khoản tiền. Đây tưởng chừng như một vận may rất lớn, bởi hầu hết họ chưa từng được sở hữu nhiều tiền đến vậy. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang" vì không có việc làm, nhưng lại sẵn có tiền trong tay, cộng với những tiêu cực của quá trình đô thị hóa, những nguy cơ về sự suy đồi đạo đức đã nhanh chóng phát sinh.
Các chủ đầu tư hầu như không bao giờ tính đến sự tác động của các dự án đối với các làng xung quanh. Với họ, chỉ cần đền bù tiền GPMB xong là họ hết trách nhiệm.