Đâu là dòng vốn "nóng" đổ vào thị trường bất động sản năm 2017?

  16/12/2016 - 05:19

Báo cáo của Ngân hàng hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM cho biết, tính đến nay, dòng vốn kiều hối vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) trên địa bàn chiếm 22%, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 72% và phần còn lại là lĩnh vực khác.

Cùng với đó, dòng vốn FDI đổ vào địa ốc năm 2016 chiếm tỷ trọng khá lớn và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2017.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, PGS TS Trần Kim Chung nhận định, thị trường tài chính năm nay diễn biến không rõ rệt. Tín dụng trong năm 2016 ước tăng 18%. Lãi suất giảm nhưng đã chạm sàn. 

Kể từ năm 2009 đến nay, chỉ số VNIndex cuối năm 2016 vượt vùng đỉnh 650 điểm. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu ước tăng từ 32,4% GDP năm 2015 lên khoảng 40% GDP trong năm 2016. Cuối năm nay, tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước tăng 20,7% so với cuối năm ngoái, đạt 19,55 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, thị trường BĐS năm 2016 có nhiều diễn biến lớn. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành TT 06 sửa đổi Thông tư 36 theo hướng kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng vào BĐS. So với dự toán, các khoản thu về nhà đất tăng 32,6%, trong đó thu tiền sử dụng đất tăng 28%, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp tăng 38,7%.

Vế số doanh nghiệp, kinh doanh BĐS tăng 99,1% và tăng 242,5% về vốn đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,1% và tăng 110,7% tương ứng.

Ông Chung đánh giá :"Giá BĐS thị trường sơ cấp đã tăng khoảng 5-7% so với đầu năm 2016, giá bán tại thị trường thứ cấp cũng tăng khoảng 10-15%. Nửa cuối năm, giao dịch thị trường BĐS phục hồi nhẹ sau nửa đầu năm chững lại. Phân khúc căn hộ có tỷ lệ hấp thụ lên đến gần 80%. Trong vòng 4 năm qua, đây là tỷ lệ hấp thụ cao nhất".

Chuyên gia này cho hay, quy mô dự án, giá trị sản phẩm BĐS tăng mạnh. Sản phẩm BĐS trung cao cấp có số lượng vượt xa so với các sản phẩm trung bình và giá thấp. Tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS chỉ chiếm 8,4% tổng tín dụng, tỷ trọng này giảm so với năm 2015 (8,8%). Trong bối cảnh chính sách ngày càng cẩn trọng hơn, tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS tăng chậm lại.

tín dụng cho bất động sản năm 2017
Vốn FDI đổ vào địa ốc năm 2016 chiếm tỷ trọng khá lớn và dự báo xu hướng này
 sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2017.
 (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

So với năm 2015, tín dụng BĐS năm 2016 ước tăng 12,5%, thấp hơn nhiều so với năm 2015 (28,3%). Tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS tập trung chủ yếu vào nhu cầu xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê (34,3%); đầu tư kinh doanh BĐS khác (nhà hàng, khách sạn để bán, cho thuê) 21,8%; xây dựng khu đô thị (19%).

Cơ cấu tín dụng BĐS tiếp tục xu hướng tăng tỷ trọng tín dụng đối với cầu BĐS và giảm tỷ trọng đối với cung BĐS. Cụ thể, tỷ trọng tín dụng dành cho cầu là 62% và cho nguồn cung BĐS là 38%. Nguồn vốn FDI đầu tư vào BĐS đạt khoảng 1,3 tỷ USD trong năm nay, giảm 44% so với năm trước.

Ông Chung thông tin: "Các sản phẩm BĐS định hướng cho người nước ngoài và yếu tố nước ngoài tăng mạnh, khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng phát triển mạnh".

Dự báo về thị trường BĐS năm 2017, theo ông Chung, thị trường khả năng sẽ giảm nhiệt, quy mô sẽ giảm khá nhiều do việc đầu cơ suy giảm.

Thị trường BĐS sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Các dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành trong khi một số dự án chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn. Tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường sẽ bị thu hẹp: ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của ngân hàng nhà nước áp dụng từ tháng 1/2017; áp lực xử lý nợ xấu dự tính vào khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Nhà giá rẻ và nhà ở xã hội (trên dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới.

Trước một số ý kiến cho rằng thị trường BĐS có xu hướng chững lại, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam, ông Sử Ngọc Khương cho biết, có thể lĩnh vực BĐS nhà ở có chút khó khăn, các phân khúc khác như văn phòng, bán lẻ, đang có những chuyển biến rất mạnh mẽ.

Ông Khương khẳng định: "Tôi đồng tình rằng, thời gian qua có sự lệch pha về phân khúc nhà ở. Tuyn hiên, gần đây nhiều doanh nghiệp đã tập trung phát triển nhà giá thấp, chấp nhận lợi nhuận thấp nhưng bán được nhiều sản phẩm".

Theo chuyên gia này, việc người trẻ trong nước có xu hướng tách ra khỏi gia đình, tự lập và mua căn hộ sẽ dần phổ biến. Nắm bắt nhu cầu đó, một số công ty BĐS đã tập trung đi vào phân khúc này như Nam Long, VinCity, Him Lam Land,... Các chủ đầu tư này đang có quỹ đất tốt, chấp nhận biên lợi nhuận có phần thấp hơn phân khúc khác để tạo thanh khoản.

Đồng thời, ông Khương lưu ý thêm, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đầu tư vào Việt Nam thường thông qua M&A và góp vốn với các doanh nghiệp trong nước nhằm khai thác tốt cơ hội thị trường.

(Theo Trí thức trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu