Lãnh đạo Chính phủ vừa có yêu cầu đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực làm dự án cao tốc Bắc – Nam.
Ngày 11/1 đã diễn ra cuộc họp về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017 – 2020 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Bộ Giao thông cho biết, còn nhiều bất cập trong việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP cho thấy cơ chế, chính sách về lựa chọn nhà đầu tư, quản lý, tổ chức; khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước khó khăn; việc huy động nguồn vốn nước ngoài cần có các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ trong khi hành lang pháp lý chưa cho phép...
Ngày 8/12/2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công trường xây dựng
tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: VGP
Để thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt một số đề xuất của Bộ trong giai đoạn chuẩn bị. Đồng thời, khắc phục tồn tại trong việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian vừa qua.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định không chỉ định thầu khi thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam. Cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai các gói thầu đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng hiệu quả kinh tế, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Theo ông Dũng, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng cơ chế huy động nguồn lực tham gia đầu tư dự án, vì vậy Bộ Giao thông cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai dự án, bảo đảm tiến độ, cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2021.
Được biết, Nghị quyết số 52 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2017. Trong giai đoạn 2017 - 2020, dự án được đầu tư 654km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ, Nam Định đến Bãi Vọt, Hà Tĩnh; từ Cam Lộ, Quảng Trị đến La Sơn, Thừa Thiên Huế; từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Dầu Giây, Đồng Nai, Cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 118.000 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 63.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách và 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư.