Không gian công cộng trên địa bàn Hà Nội đang dần bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Công tác quy hoạch, thiết kế, đầu tư và quản lý chưa tốt, thiếu quỹ đất công dành cho vườn hoa, sân chơi…
Các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch cho rằng, đây là thực trạng chưa thể khắc phục ngay được nhưng cần phải được quan tâm nhiều hơn, vì đây là không gian mở của đô thị, hình thành nhằm cải thiện môi trường sống…
Không chỉ tại các khu vực cũ mà ngay cả các dự án xây dựng khu ở mới cũng chưa chú trọng tạo lập không gian vườn hoa, sân chơi. Theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, toàn TP hiện có khoảng 200 điểm sân chơi, vườn hoa công cộng, bốn quận nội đô có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa tính các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu tập thể cũ, khu chung cư). Do khu vực nội đô có mật độ dân cư đông, xây dựng với mật độ cao nên thiếu quỹ đất cho vườn hoa, sân chơi. Trong khi đó, sân chơi, vườn hoa cũ lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Tiêu biểu tại các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự (Đống Đa), khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy), khu tập thể Thanh Xuân (Thanh Xuân), tập thể ở Đội Cấn (Ba Đình)… Lý do chủ yếu là công tác quản lý chưa chặt chẽ và thiếu sự quan tâm đầu tư xây dựng từ các cấp.
Vì vậy, để khắc phục thực trạng này đối với khu vực nội đô, trước mắt phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội trường học, vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa ở các tổ dân cư.
Nhiều chủ đầu tư tại một số khu đô thị đã chú trọng đến không gian công cộng cho
cư dân, song con số này vẫn rất hạn chế.
UBND TP Hà Nội trước đó đã chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về địa điểm đầu tư xây dựng vườn hoa, sân chơi tại 73 phường và 45 thị trấn, xã với tổng diện tích là 59 ha. Ở giai đoạn sau là 334 xã, phường, thị trấn thuộc 23 huyện, quận, thị xã với tổng diện tích 167 ha. Quỹ đất để xây dựng vườn hoa, sân chơi gồm đất sau di dời công nghiệp (3,7 ha) và đất xen kẹt (101 ha)…
Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Việt, KTS Nguyễn Đức Phổ cho hay, cần khai thác quỹ đất có được từ việc chuyển đổi mục đích khi di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, trụ sở bộ,… Nếu chiếu theo quy chuẩn của xây dựng Việt Nam thì mỗi người dân trong khu đô thị phải được hưởng trung bình 2–3,9m2 không gian/người, nhưng hiện nay Hà Nội đều không đạt cả về số lượng và chất lượng. Thực trạng này không chỉ diễn ra tại các khu dân cư trong nội thành, ngay cả các quận mới vùng vành đai hiện đang còn quỹ đất nhưng nếu không được chú trọng, khi không bắt buộc đưa vào trong quy hoạch thì chắc chắn sẽ không còn khoảng đất trống nào cho các khu vui chơi công cộng.
Sắp tới, Hà Nội sẽ tăng cường chỉ đạo nâng cao nhận thức chăm lo cộng đồng của nhà đầu tư, địa phương và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền, đồng thời xây dựng chế tài, quy định để các nhà đầu tư triển khai dự án hạ tầng xã hội đúng tiến độ, chất lượng đảm bảo.
Cùng đó, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời để nghiên cứu vàbổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa; đẩy nhanh phê duyệt các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị làm cơ sở để xác định các nhu cầu, các chức năng quy hoạch sử dụng đất, quy mô sử dụng đất phục vụ xây dựng thiết chế văn hóa…
Trao đổi về vấn đề thiếu quỹ đất cho hạ tầng xã hội của Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung các quy định pháp luật, các chính sách cũng như giám sát việc thực thi để quản lý tốt hơn, qua đó phục hồi và phát triển các không gian dành cho sinh hoạt công cộng trong các khu dân cư ở Hà Nội. Đảm bảo quy hoạch phải dành quỹ đất cho không gian cho hạ tầng xã hội như: Bệnh viện, trường học, chợ, cây xanh, công viên với mật độ phù hợp mới được phê duyệt.
Mặt khác, cần chủ động kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ đóng góp và trực tiếp đầu xây dựng các công trình có giá trị phục vụ vui chơi công cộng, tập luyện thể thao trong các công viên như khu vực quận Cầu Giấy đã làm được là Công viên Dịch Vọng, Công viên Nghĩa Đô...