Nhiều dự án “con cưng” cũng bị các “đại gia” rao bán. Trong ảnh: Phối cảnh khu phức hợp Sky park residence |
Ồ ạt bán dự án
Sau thời gian dài chống chọi với khủng hoảng, lúc này, nhiều chủ đầu tư
dường như đã kiệt sức, không gượng nổi. Thị trường không có người mua,
chính sách ngày càng chặt chẽ, huy động vốn ngày càng khó khăn. Chưa lúc
nào, số lượng dự án được rao bán nhiều như bây giờ.
Hội đồng quản trị Cty CP Coma 18 (CIG) vừa quyết định chuyển nhượng dự
án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng VP6 -
bán đảo Linh Đàm, Hà Nội, để thu hồi vốn đầu tư, tập trung thi công
tiếp dự án tòa nhà Westa. Đây từng là dự án “cưng” của Coma 18, với quy
mô 2.637,4 m2, trong đó diện tích đất xây dựng công trình 1.170 m2, gồm
25 tầng nổi, 3 tầng hầm và 2 tầng kỹ thuật.
Cách đây chưa lâu, đầu tháng 8/2013, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết
định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại lô đất VP6 khu
dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, chuyển chức năng từ đất văn
phòng cho thuê sang xây dựng công trình hỗn hợp văn phòng, dịch vụ
thương mại và nhà ở cao tầng.
Một dự án từng thu hút được nhiều quan tâm trên thị trường là Sky Park
Residence cũng đang bị chủ đầu tư là Cty CP Licogi 16 tìm cách “đẩy” đi.
Trong quyết định đưa ra cách đây ít ngày, hội đồng quản trị Licogi 16
đã ủy quyền cho tổng giám đốc tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng dự án,
thương thảo ký kết các hợp đồng chuyển nhượng dự án và triển khai các
thủ tục liên quan để xúc tiến việc chuyển nhượng dự án. Sky Park
Rresidence có vị trí “đắc địa” khi tọa lạc tại ô đất 25D khu đô thị mới
Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, có mặt tiền chính là đường Tôn Thất
Thuyết, nằm sát Cung Trí thức Hà Nội, cạnh công viên Yên Hoà. Hiện, chi
phí xây dựng dở dang của Sky Park Residence tới 30/6 là 98 tỷ đồng.
Thoái, cũng không dễ
Cty CP kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) là một chủ dự
án may mắn, khi vừa thông qua việc Cty AHC xin hợp tác đầu tư với PVR
hoặc các hình thức khác để bán, chuyển nhượng dự án tổ hợp căn hộ và
dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội để đổi lại được
hưởng phân chia lợi nhuận từ dự án.
Nhưng không phải người bán nào cũng may mắn như PVR. Bởi, trong tiến
trình tái cơ cấu theo những đề án đã được phê duyệt, mảng bất động sản
là mảng các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn.
Cty CP xây dựng và phát triển đô thị Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UDC) cũng
công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc nhượng dự án chung cư Bàu
Sen, đồng thời đưa ra phương án nếu không chuyển nhượng được thì điều
chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển dự án này từ nhà ở thương mại sang dự án
nhà ở xã hội.
Còn Cty CP hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (SAVE) cũng đã
thông qua chủ trương cho đối tác góp vốn để thực hiện đầu tư và hoàn tất
hạ tầng kỹ thuật cũng như hồ sơ pháp lý của dự án khu nhà ở tại phường
Phú Mỹ, quận 7, TP. HCM. Sau khi dự án đáp ứng đủ điều kiện để chuyển
nhượng theo quy định của pháp luật, Cty Savimex sẽ chuyển nhượng toàn bộ
dự án cho đối tác với tổng giá trị chuyển nhượng dự án bao gồm tổng giá
trị đền bù đất và các chi phí chuẩn bị đầu tư khác…
Việc Hoàng Anh Gia Lai - một “đại gia” từng tự tin tuyên bố “ai bán bất
động sản, Hoàng Anh Gia Lai mua” vừa phải tuyên bố bán các dự án bất
động sản đã “đánh mạnh” vào tâm lý của nhiều chủ đầu tư cố “vớt vát” để
giữ dự án. Theo thông tin của chúng tôi, các dự án của Hoàng Anh Gia Lai
được bán cho khách mua ngân hàng, đằng sau là những nhà đầu tư đến từ
Nga. Bất động sản đang dần rơi vào những nhà đầu tư ngoại trường vốn,
nhưng trong bối cảnh nhiều lựa chọn, họ cũng sẽ không “nhòm ngó” tới các
dự án ít triển vọng, và vì thế, hàng loạt dự án ít tiềm năng còn khó có
lối thoát khỏi khủng hoảng…
Theo Pháp luật Việt Nam