Doanh nghiệp BĐS hút vốn
Vào hồi tháng 2/2015, trong cuộc gặp gỡ với báo giới, phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã đặt câu hỏi về việc có hay không Keppel Land Việt Nam (Singapore) sẽ tham gia phát triển phân khúc nhà ở trung bình song song cùng dòng sản phẩm cao cấp mà Công ty đang theo đuổi, Giám đốc Điều hành Keppel Land Việt Nam ông Đoàn Anh Hùng cho biết, tuy đây không phải là thế mạnh của Công ty song Keppel Land sẽ xem xét khi cơ hội đến và nếu có, công ty sẽ bắt tay với một doanh nghiệp có kinh nghiệm ở phân khúc này.
Sau đó, việc ông Đoàn Anh Hùng xuất hiện trong lễ ký kết giữa Công ty CP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) và 2 đối tác Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad, Hankyu Realty cùng phát triển khu căn hộ Flora Anh Đào (quận 9, Tp.HCM) vào tháng 4/2015 đã dấy lên khả năng về việc doanh nghiệp này sắp có hợp tác với Nam Long. Thế nhưng, ông Đoàn Anh Hùng phủ nhận thông tin này.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2015, Nam Long bất ngờ công bố thông tin Ibeworth Pte. Ltd (doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát của Keppel Land) chính thức trở thành cổ đông chiến lược sau khi mua 7,1 triệu cổ phiếu NLG (5,02% vốn điều lệ) với giá trị giao dịch hơn 140 tỷ đồng. Room nước ngoài của Nam Long hiện đã được điều chỉnh từ 45% lên 49%; cùng đó, kể từ ngày 17/8/2015, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ từ 1.344 tỷ đồng lên 1.415 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2015, việc tăng vốn điều lệ cũng đã được nhiều doanh nghiệp BĐS thông qua. Trước đó, từ năm 2014, để đón đầu sự hồi phục của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nhiệm vụ này.
Hiện doanh nghiệp BĐS lớn đang có lợi thế trên thị trường trong việc hút vốn.
Tiêu biểu là trường hợp của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH), doanh nghiệp đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 480,7 tỷ lên 750 tỷ đồng thông qua việc phát hành 26,9 triệu cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược vào tháng 5/2014.
Công ty này đã tiếp tục tăng vốn từ 750 tỷ đồng lên 1.260 tỷ đồng vào tháng 2/2015, thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.
Với đợt phát hành này, hiện tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại KDH đã đạt 49% vốn điều lệ (61,74 triệu cổ phiếu), trong đó có những quỹ đầu tư lớn đang hoạt động tại Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital, Vietnam Holding,...
Với quỹ đầu tư VinaCapital, khoản đầu tư vào cổ phiếu KDH tính đến tháng 7/2015 đã trở thành 1 trong 10 khoản đầu tư lớn thuộc Vietnam Opportunity Fund (hiện VOF là một trong 3 quỹ niêm yết tại thị trường chứng khoán London - AIM của VinaCapital), đã chiếm 3,6% giá trị tài sản ròng (NAV) của VOF.
Tiếp theo, vào tháng 6 năm nay, quỹ này đã công bố thông tin giải ngân 15 triệu USD thuộc khoản đầu tư hợp vốn trị giá 47 triệu USD (với 2 nhà đầu tư khác) để mua cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi của Công ty CP Tập đoàn Novaland - đơn vị hiện đang phát triển khoảng 20 dự án BĐS tại Tp.HCM và sẽ giới thiệu tiếp 7 dự án trong thời gian sắp tới.
Đại diện của VOF cho biết, khoản đầu tư này nằm trong chiến lược của Quỹ để đầu tư gián tiếp vào lĩnh vực BĐS thông qua các công ty niêm yết hay tư nhân trong ngành, cùng đó thoái vốn khỏi các khoản sở hữu trực tiếp dự án BĐS. Trong 2 năm tới, theo kế hoạch, Novaland sẽ tiến hành niêm yết.
Doanh nghiệp BĐS lớn dễ dàng huy động vốn?
Năm 2015 đối với các doanh nghiệp BĐS được xem là giai đoạn bứt phá để phát triển, với mục đích đón đầu sự hồi phục của thị trường địa ốc.
Vì vậy, nhu cầu về vốn tương đối lớn và tùy vào điều kiện của từng doanh nghiệp mà chọn cách huy động phù hợp, theo đó có thể huy động đối tác chiến lược đầu tư vào dự án, tiến hành phát hành cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiệp.
Sau các kỳ đại hội cổ đông 2015, hầu hết các doanh nghiệp BĐS niêm yết đều đặt mục tiêu phát hành cổ phiếu để huy động tài lực triển khai dự án mới.
Chẳng hạn như Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức, trong năm 2015, kế hoạch sẽ phát triển 5 - 6 dự án vì thế, kèm theo đó là phương án phát hành thêm cổ phiếu.
Hoặc mới đây, Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Đất Xanh cũng ra thông báo sẽ tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường và dự kiến sẽ tiến hành trong tháng 10 hoặc tháng 11 nhằm thông qua vấn đề tăng vốn điều lệ.
Bàn về tính khả thi của việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sen Vàng ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh cho hay, nhiều dự án BĐS được triển khai và đạt thanh khoản tốt từ đầu năm 2015 đến nay, kết quả kinh doanh quý I và quý II của các doanh nghiệp BĐS niêm yết đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Chính vì vậy, việc phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu để huy động vốn giai đoạn này sẽ không quá khó khăn như thời điểm trước đây.
Minh chứng là, vừa qua Vingroupmới đã phát hành thành công trái phiếu (không chuyển đổi) với giá trị 2 nghìn tỷ đồng.
Hoặc như hồi tháng 8 vừa qua, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và thu về trên 650 tỷ đồng.
Theo ông Chinh, những doanh nghiệp BĐS đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư như có dự án lớn, quản trị doanh nghiệp tốt, thanh khoản rõ ràng thì xác suất thành công trong huy động vốn sẽ rất cao.
Đối với khả năng xuống tiền, các nhà đầu tư hoạt động lâu năm ở thị trường Việt Nam đã trải qua nhiều biến động và mức độ am hiểu thị trường sâu sắc nên họ sẽ có tầm nhìn tốt hơn, từ đó dễ giải ngân vốn vào BĐS hơn là các nhà đầu tư mới.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland ông Bùi Cao Nhật Quân chia sẻ, với những doanh nghiệp BĐS lớn thì việc huy động vốn tương đối dễ bởi phần lớn nhà đầu tư góp vốn là đầu tư tài chính nên họ thường chú trọng đến 2 yếu tố: Tính an toàn và khả năng sinh lợi của khoản đầu tư.
Trên thực tế, các doanh nghiệp BĐS (bên kêu gọi đầu tư) có sức hút với nhà đầu tư phải là doanh nghiệp kinh doanh tốt, tiềm năng phát triển, quỹ đất dồi dào,... nhất là có cơ chế mở để nhà đầu tư dễ dàng thoái vốn nhằm hiện thực hóa lợi nhuận.
Có thể nói, thị trường địa ốc vừa trải qua giai đoạn “bị tổn thương” kể từ giữa năm 2008 đến nửa cuối năm 2014, vì thế trong vấn đề huy động vốn của doanh nghiệp BĐS hình thành 2 thái cực: Thứ nhất, đó là những doanh nghiệp có quỹ đất dồi dào ở những vị trí thuận lợi, thanh khoản sản phẩm tốt,... Những doanh nghiệp này thường “kín” room nhà đầu tư ngoại.
Thứ hai là, những doanh nghiệp cần nhiều sự hỗ trợ về tài chính lại chỉ sở hữu quỹ đất hạn chế, có thương hiệu chưa mạnh nên cách huy động vốn của họ thường sẽ là “mua đứt bán đoạn” dự án, mà không phát hành trái phiếu để tập trung vốn cho dự án chủ lực.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Điều hành Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) ông Andy Ho đánh giá, ngoài cổ phiếu, thì việc phát hành thêm trái phiếu doanh nghiệp sẽ mang đến một nguồn hàng hóa mới cho các nhà đầu tư chọn lựa.
Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp thường có lợi suất coupon (tỷ lệ lãi hàng năm tính trên mệnh giá trái phiếu) cao hơn và có thể là một kênh đầu tư tốt.
Ông Andy Ho khẳng định: “Chúng tôi cho rằng việc trái phiếu doanh nghiệp chưa được quan tâm nhiều là vì thiếu một cơ quan đánh giá giúp các nhà đầu tư thẩm định mức độ rủi ro. Cho nên, chúng tôi ủng hộ việc thành lập một cơ chế như trên để giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước".