Với hàng loạt "ông lớn" công khai kế hoạch bung hàng vào đầu quý IV/2016, bước vào chặng đua nước rút chiếm lĩnh thị phần, thị trường địa ốc Đồng Nai tiếp tục sôi động hơn bao giờ hết.
Ðồng Nai được xem là “sân sau” của Tp.HCM trong quá trình phát triển đô thị và liên kết vùng. Giá đất ở Đồng Nai vẫn còn khá mềm so với giá bất động sản (BĐS) tại Tp.HCM, nhất là các dự án giáp ranh với TP, có mức giá chênh lệch khá nhiều dù chỉ cách nhau một bờ sông.
Chính vì vậy, nền đất nhà phố và biệt thự ven sông tại Đồng Nai đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới đầu tư lẫn khách hàng, tạo nên không khí mua bán đầy sôi động cho mùa giao dịch địa ốc những tháng cuối năm. Mặt khác, trong thời điểm này ,nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu đổ vốn vào phát triển nhiều khu đô thị quy mô lớn như tập đoàn Amata Thái Lan, DonaCoop, Tín Nghĩa, Tập đoàn LDG...
Không ít dự án BĐS được nhà đầu tư gấp rút hoàn thiện hạ tầng và đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian gần đây. Khu vực BĐS bắt đầu sôi động trở lại là TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Dự án đất nền và nhà liên kế xây dựng thô là phân khúc sôi động nhất.
Thị trường đất nền Đồng Nai sôi động hơn trong những tháng cuối năm 2016.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai, ông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá: “Các nhà đầu tư của những dự án BĐS lớn trên địa bàn tỉnh đã khởi động trở lại, giúp thị trường ấm dần lên. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đến tỉnh tìm đất triển khai các dự án mới, tuy nhiên, mạng lưới quy hoạch của tỉnh đã phủ kín, hiện không còn diện tích đất lớn giao cho các nhà đầu tư”.
Ông Lâm cho hay, lý do khiến các nhà đầu tư khởi động, tăng tốc các dự án BĐS là để “đón gió” các dự án lớn như cầu An Hảo, đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, QL 1, QL 20 và QL 51 nâng cấp hay cầu Cát Lái nối quận 9 và Nhơn Trạch...
Kết qua khảo sát thị trường Đồng Nai thời gian qua cho thấy, đất nền diễn biến sôi động hơn do nguồn cung và nhu cầu từ phía người mua tăng liên tục khi các nhà đầu tư đi tắt đón đầu các dự án hạ tầng tại đây. Tại Đồng Nai, 3 điểm nóng thị trường BĐS gồm Biên Hòa, Long Thành và Nhơn Trạch - những nơi đã, đang và sắp có các dự án hạ tầng lớn.
Vừa qua, Công ty địa ốc Kim Oanh đã mở bán dự án Richland City (Hiệp Phước, Nhơn Trạch). Tuy chưa có số liệu cụ thể là bao nhiêu phần trăm khách hàng mua để ở hoặc để đầu cơ, nhưng nhìn từ phía các nhà làm dự án, đó là dấu hiệu đáng mừng.
Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) cũng cho ra mắt dự án Khu đô thị Long Hưng quy mô 227 ha trong tổng thể 1.300 ha của 5 dự án liên hoàn, đây được xem là dự án có quy mô lớn nhất trong vòng 10 năm qua tại Đồng Nai.
Tiếp nối thành công của giai đoạn 1 với trên 2.000 sản phẩm đã có chủ sở hữu, vào ngày 25/9 tới, LDG tiếp tục tung ra thị trường giai đoạn 2 khoảng 100 sản phẩm đất nền nhà phố sở hữu vị thế đắc địa của dự án The Viva City.
Tổng giám đốc Amata Việt Nam, bà Somhatai Panichewa thông tin: “Tập đoàn Amata đang tiến hành hoàn tất hồ sơ quy hoạch để sớm triển khai 2 dự án BĐS tại huyện Long Thành là dự án khu đô thị dịch vụ rộng 753 ha tại xã Tam An và dự án khu đô thị dịch vụ 122 ha tại xã An Phước và Tam An".
Khi hạ tầng giao thông Đồng Nai kết nối với Tp.HCM được triển khai và chủ trương phát triển khu Đông của Tp.HCM, tỉnh Đồng Nai sẽ được hưởng lợi. Do đó, các quỹ đầu tư đã rót nhiều vốn trung và dài hạn vào đây để đón lợi thế hạ tầng, giám đốc một quỹ đầu tư đã rót vốn vào các dự án BĐS ở Đồng Nai nhận định.
Thời gian gần đây, khá nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư như Dragon Capital, VinaCapital,… đã đầu tư vào các tập đoàn, doanh nghiệp địa ốc ở Đồng Nai. Vừa qua, Tập đoàn Thành Thành Công của gia đình ông Đặng Văn Thành đã mua 35% cổ phần của Tổng Công ty Tín Nghĩa - doanh nghiệp có quỹ đất lớn hàng đầu tại Đồng Nai.