Cần hiểu đúng dự án theo phương thức BT có nghĩa chủ đầu tư bỏ tiền xây
dựng các công trình của thành phố (TP). Đổi lại TP phải dành cho chủ đầu
tư những lợi thế hoặc về đất, hoặc về công trình tương ứng, để thực
hiện kinh doanh thu hồi vốn.
Trên cơ bản, cách "chia lửa” này cho ngân sách TP trong bối cảnh tình
hình kinh tế khó khăn trước đây là phương án hiệu quả. Tuy nhiên về lâu
dài (ở đây thường là vì lợi ích kinh tế) sự "chiếm hữu” về đất đai, về
những hợp đồng kinh tế béo bở khác sẽ khiến thành phố sẽ trở nên khó
khăn, thậm chí thâm hụt ngân sách để giải quyết những hậu quả tồn tại,
khi tình hình kinh tế không theo ý muốn.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính đến đầu năm 2013,
trên địa bàn thành phố có 63 dự án BT được triển khai. Điều này tương
ứng với 63 chủ đầu tư và 63 khoản "đổi dự án lấy hạ tầng” khác. Song kết
quả hiện nay ra sao? Theo báo cáo, đến thời điểm này chỉ vỏn vẹn 5 dự
án hoàn thành và đưa vào sử dụng là Cung Trí thức, Bảo tàng Hà Nội,
Đường trục phía Bắc Hà Đông, Đường Lê Văn Lương kéo dài và Nhà máy Xử lý
nước thải Yên Sở. Còn lại 58 dự án đang gặp "vấn đề”, thực hiện cầm
chừng hoặc đứng im tại chỗ. Nguyên nhân chủ yếu do quỹ đất đối ứng bị
ảnh hưởng (tình hình bất động sản đóng băng), năng lực chủ đầu tư yếu
kém hoặc do không còn đủ lực về tài chính. GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ
trưởng Bộ TN&MT cho rằng, sự dễ dãi trong việc phê duyệt các dự án
theo phương thức BT của không chỉ TP Hà Nội trước đây sẽ biến hiện tại
và tương lai phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng về lãng phí đất
đai, tiền bạc của nhân dân. Khi bất động sản (BĐS) tăng mạnh, việc
"giành đất” tốt nhất là đầu tư các dự án BT của thành phố. Đổi lại, khi
BĐS tụt dốc, giá trị đất đai đóng băng, chủ đầu tư chắc chắn mất khả
năng thực hiện dự án. Công trình vì thế không thực hiện. Hàng trăm nghìn
m2 đất lãng phí. Sự công bằng đối với những người dân bị thu hồi đất sẽ
ra sao, khi họ, vì lợi ích chung của TP mà phải rời bỏ đất đai của
mình.
GS Đặng Hùng Võ dẫn chứng, từ năm 2010, kiểm đếm lại các dự án theo
phương thức BT của thành phố đã được chấp thuận đầu tư, chỉ thấy toàn
nghìn tỷ đồng. Cụ thể, dự án vành đai IV dài khoảng 43km từ cầu Mễ Sở,
huyện Thường Tín đến huyện Hoài Đức lên tới 38.000 tỷ đồng. Dự án QL6,
đoạn Ba La - Xuân Mai với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng. Dự án hầm chui
qua sông Hồng có mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Dự án cầu Tứ Liên và đường
dẫn đến QL 5 kéo dài với tổng mức đầu tư trên 10.500 tỷ đồng. Dự án cải
tạo đường 70 Hà Đông - Văn Điển với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng… Tất
nhiên, tương ứng với các dự án là những lô đất trị giá hàng nghìn tỷ
đồng được "mời chào” như đất khu vực phòng không không quân, đất sư đoàn
361 (Bộ Quốc phòng), đất vành đai chân cầu Vĩnh Tuy, đất Xuân Phương,
đất Tứ Liên… "Công trình chưa thấy đâu, đất đai đã bị thu hồi. Những
thương thảo về hợp đồng BT nếu cứ tính giá trị hợp đồng để lấy đất
chẳng khác nào là sự tham nhũng”, GS Võ nhấn mạnh.
Đi tìm nhà đầu tư có năng lực, vì lợi ích chung của cộng đồng đang là
bài toán "rất khó” đối với không chỉ TP Hà Nội. Những gánh nặng về "trái
đắng” do hợp đồng theo hình thức BT đưa lại đang chồng chất. Có lẽ, sự
quyết liệt gọt bỏ những chủ đầu tư yếu kém đang là giải pháp cấp bách
nhất, cho dù thiệt hại là hiện hữu.
Theo Đại đoàn kết