Báo cáo dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS) quý IV/2017 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố.
Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS đến hết năm 2017 đạt 471.022 tỷ đồng.
Các lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất, đạt trên 100.000 tỷ đồng gồm: cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở đạt 102.413 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công đạt 100.083 tỷ đồng; cho vay kinh doanh khác đạt 112.561 tỷ đồng.
NHNN cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và GDP tăng trưởng mạnh tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường BĐS trong năm nay. Nhận định này của giới chuyên gia được đánh giá là có cơ sở khi gần đây Chính phủ tăng tín dụng lên 20% và tăng tỷ lệ tín dụng vào BĐS giúp thị trường có thêm nguồn tiền.
Đến hết năm 2017, dư nợ tín dụng BĐS đạt trên 471.000 tỷ đồng
Hiện thị trường căn hộ để bán đã sôi động trở lại, sau khi các doanh nghiệp đưa ra chiến lược mở bán và đánh giá sản phẩm phù hợp. Số căn chào bán mới và số căn tiêu thụ đều tăng. Để hấp thụ được số lượng căn hộ bán ra ngày càng nhiều, các ngân hàng cũng đồng loạt tung các gói tín dụng tài trợ vốn vay cho chủ đầu tư và người mua nhà.
Được biết, NHNN đã trực tiếp chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi vay tín dụng BĐS phải kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào những phân khúc ví dụ như BĐS nhà ở xã hội, nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, tránh dồn tín dụng và kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tăng trưởng nóng.
Giám đốc đầu tư Savills, ông Sử Ngọc Khương cho rằng, các công ty BĐS niêm yết sẽ là các mục tiêu đầu tư hoặc hợp tác hàng đầu cho những nhà đầu tư chiến lược và những nhà phát triển BĐS trong và ngoài nước.
Thời gian vừa qua, các quỹ đầu tư vốn nước ngoài, các ngân hàng đầu tư đã hiện diện trong cơ cấu sở hữu của những công ty BĐS tốt niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam như Nam Long và Năm Bảy Bảy và ông Khương cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển vì các nhà đầu tư tìm đến các doanh nghiệp niêm yết tiếng tăm và uy tín.
Ông Khương chia sẻ: "Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các công ty niêm yết, các công ty tư nhân cũng sẽ giúp thị trường có các chuyển biến tích cực khi các doanh nghiệp không chỉ phải thể hiện khả năng của mình với các khách hàng mà còn cả với những đối tác, nhà đầu tư".