Gần Tết, dân đổ xô tìm mua, nhà xã hội khan hàng

  12/01/2015 - 07:15

Thời điểm cuối năm âm lịch, hầu hết các dự án nhà ở xã hội chỉ còn rất ít căn hộ cho thuê nên nhiều người tìm mua nhà trong dịp này phải ra về trong tâm trạng hụt hẫng.


Nhiều người mua nhà xã hội ra về trong tâm trạng hụt hẫng

Nhà ở xã hội khan... hàng

Trong tháng 1/2015, rất nhiều người mua đến nơi bán hàng của Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội) để hỏi mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hầu hết đều ra về trong tâm trạng thất vọng vì không thể mua nhà do hết. Do đó, một số ít phải duyển sang thuê nhà ở xã hội với mục đích đặt chỗ để 5 năm sau có thể mua được. Người đến hỏi mua thuộc rất nhiều đối tượng từ nhà giáo, kỹ sư, công chức nhà nước cho đến các công nhân lao động… 

Phó Phòng Dự án Công ty Đầu tư Phát triển Hạ Tầng Viglacera ông Lê Văn Hiếu chia sẻ: Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đã hoàn thiện giai đoạn 1, giai đoạn 2 và đưa vào sử dụng 2.000 căn hộ. Giai đoạn 3, Viglacera với tổng số 1.500 căn hộ, diện tích từ 45m2 - 70m2. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn mở bán dự án đã bán hết, Vigalacera sẽ bàn giao nhà cho người dân trước Tết Nguyên đán 2015.

Anh Phạm Minh Giang (Long Biên, Hà Nội) cho biết, nhiều bạn của anh đã mua được nhà ở xã hội và cảm nhận rất tốt nên anh cũng quyết định đến đăng ký mua nhà. Tuy nhiên, anh cũng là một trong những khách hàng đến đăng ký xin mua nhà ở xã hội nhưng phải hụt hẫng ra về. Anh cũng cảm thấy tiếc vì trước đây không quyết định sớm và giờ không biết mua nhà ở đâu cho phù hợp với điều kiện kinh tế của mình.

Ông Trần Văn Đại (Vĩnh Tuy, Hà Nội) khi được biết không còn nhà ở xã hội đã quyết định xin chuyển sang thuê nhà ở xã hội rồi đợi hết 5 năm thuê sẽ được mua lại. Ông Đại vì làm thủ tục lâu quá nên không kịp đăng ký mua nên rất tiếc.

Theo khảo sát thực tế, hầu hết các công ty xây dựng nhà ở xã hội hiện nay đều rơi vào tình trạng hết hàng. Trong đó, điển hình như Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô có dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 tại Khu đô thị Chèm - Bắc Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài ra, tại tỉnh Hòa Bình, Công ty CP Thương mại Dạ triển khai Dự án nhà ở xã hội Dạ Hợp với quy mô 220 căn hộ, hiện nay vẫn có rất nhiều người dân muốn mua nhưng không còn để bán.

Phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian qua, một loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội được ban hành đã tác động hết sức tích cực đến thị trường nhà ở nói chung và việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng. Tính trên địa bàn cả nước, hiện nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 102 dự án xã hội, trong đó có quy mô xây dựng khoảng 19.680 căn hộ của 38 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ; 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 20.270 căn hộ.


Nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân là rất lớn

Ngoài ra, 150 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, trong đó có 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 66.750 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.105 tỷ đồng (trong đó: 14 dự án nhà ở xã hội  do thành phố Hà Nội đang triển khai cho người có thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 11.900 căn; 91 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 28.505 tỷ đồng (bao gồm cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đã được UBND các tỉnh, thành phố chấp thuận); 11 dự án nhà ở xã hội do Tp.HCM triển khai cho người có thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 7.830 căn).

Tuy đã thu được kết quả bước đầu, nhưng việc triển khai nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trong còn gặp nhiều khó khăn như: Cần vốn lớn cho việc phát triển nhà ở xã hội  tuy nhiên lợi nhuận thấp, thậm chí tỷ lệ lợi nhuận được nhà nước khống chế, thời gian thu hồi vốn dài, nhất là đối với nhà ở xã hội cho thuê, trong khi đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế. Do đó, không khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, thu nhập của người dân, công nhân lao động tại các khu công nghiệp còn thấp, không đủ tích lũy để mua nhà ở. Và trong thực tế, chúng ta chưa có cơ chế để hình thành các định chế tài chính nhà lãi suất hợp lý để cho người dân vay, thời gian trả nợ dài để mua nhà ở. Trong khi tâm lý sẵn sàng thuê nhà ở sống lâu dài chưa lấn át mong muốn sở hữu nhà ở

Tại một số địa phương, chưa thực sự quan tâm đến giải pháp giúp tháo gỡ và đẩy mạnh phát triển nhà ở. Trong khi chúng ta chưa có chế tài để xử lý trách nhiệm đối với nơi làm chưa tốt hoặc không làm và khuyến khích nơi làm tốt.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Trên địa bàn cả nước có tới 80% dân số đô thị cần hỗ trợ về nhà ở. Trong khi đó, việc phát triển nhà ở xã hội chính là một hướng đi hết sức khoa học để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đó cũng chính là việc cụ thể hóa các giải pháp của Chính phủ, đặc biệt yêu cầu phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với chiến lược phát triển nhà ở, thay vì chỉ phát triển nhà ở cao cấp ít người mua, trong khi nhà ở xã hội rất nhiều người có nhu cầu lại không có.

(Theo VOV)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu