Hà Nội: "Bội thực" cao ốc xây trên đất nhà máy di dời

  12/10/2015 - 07:38

Trên những mảnh đất di dời các nhà máy khỏi nội đô Hà Nội, nhiều cao ốc, khu đô thị đang được xây dựng ngày một nhiều. Thủ đô Hà Nội vì thế đã đông lại càng đông dân hơn, nhất là quy hoạch có nguy cơ méo mó.

Theo nội dung Quyết định số 130/QĐ - TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, việc di dời các đơn vị, cơ quan, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm có phạm vi áp dụng đối với các cơ sở tại tất cả 11 quận nội thành Hà Nội. Cụ thể, đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, lây nhiễm, truyền nhiễm cao, bệnh viện, sử dụng quá tải; những cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các đơn vị, cơ quan nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành gây mất cân đối về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ô nhiêm môi trường, giao thông,…

Mặt khác, đối với việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sau khi di dời khỏi nội đô, các chủ cũ sẽ được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, bãi đỗ xe, cây xanh, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; đảm bảo không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, cân bằng nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, xã hội và môi trường đô thị, đảm bảo không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch làm ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mảnh đất hậu di dời các cơ sở sản xuất hiện trở thành các dự án khu đô thị, chung cư cao tầng xây dựng rầm rộ.

Chẳng hạn như, tại mảnh đất số 250 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) của Công ty CP May Thăng Long sau khi di dời nơi đây đã trở thành dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê. Được biết, công trình này có 3 tòa nhà, 1 tháp văn phòng trong đó cao 25 tầng, 5 tầng thương mại dịch vụ, 2 tháp chung cư 19 và 25 tầng, 2 tầng hầm…

cao ốc trên đất nhà máy di dời
Tại khu đất nhà máy Bánh kẹo Tràng An (Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy) hiện đang
được xây dựng 1 tòa thương mại và 2 tòa chung cư.

Trong khi đó, khu đất nhà máy Bánh kẹo Tràng An (Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy) với diện tích khoảng 2,6 ha là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An, thế nhưng đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu - GP.Invest hợp tác với chủ đất để di chuyển nhà máy bánh kẹo đến một khu đất ở Quốc Oai tiếp tục sản xuất.

Hiện tại, khu đất tại số 1 Phùng Chí Kiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng của mảnh đất sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, văn phòng, thương mại Tràng An Complex. Công trình gồm 2 tòa chung cư cao 23-29 tầng, 11 căn Villas, 1 tòa thương mại 14 tầng, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376m2…

Bên cạnh đó, còn nhiều khu đất di dời nhà máy khác cũng được "hô biến" thành cao ốc, điển hình như nhà máy Dệt 8-3 trên phố Minh Khai biến thành khu đô thị Times City, hay Nhà máy công cụ số 1 tại Ngã Tư Sở lại biến thành khu Royal City, hoặc Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà trên đường Phan Chu Trinh..

Điều đáng nói là, các địa điểm nhà máy di dời đều nằm ở những nút cửa ngõ giao thông quan trọng vào nội thành song nay đã “biến” thành các khu đô thị. Thậm chí, có những dự án có quy mô dân số bằng một quận… vì thế dẫn tới tăng dân số cơ học và phương tiện đột biến. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông khu vực nội đô Hà Nội hiện nay.

di dời nhà máy khỏi nội đô
Một dự án BĐS mới sẽ thay thế cụm nhà máy sắp di dời khỏi nội đô.

Dự kiến trong tương lai vẫn sẽ còn tiếp những dự án cao ốc mọc lên ở các khu đất di dời nhà máy, đơn cử như dự án Khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cũng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng ông Phạm Sỹ Liêm tỏ ra khá băn khoăn, các nhà máy dọn đi theo quy hoạch song việc sử dụng trở lại những mảnh đất đó có theo quy hoạch không?

Hiện vẫn còn nhiều mập mờ ở điểm này, ông Liêm cho hay. Trên thực tế, Hà Nội đã có nhiều dự án nhà ở được làm trên đất di dời nhà máy. Với những khu đô thị hoành tráng, nơi đất nhà máy di dời đã biến thành khu dân cư đông đúc, đường xá chật hẹp, ùn tắc giao thông,... 

Ông Liêm nói: “Tôi không hiểu quy hoạch như thế nào, việc quy hoạch đâu phải dựa trên địa giới từng nhà máy mà phải là cả một khu vực. Nhiều khu vực hiện nay không có quy hoạch và nếu có quy hoạch thì cũng không đúng.

Cũng như nhiều đô thị trên cả nước, Hà nội chỉ quan tâm quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, trong khi những đô thị hiện hữu theo luật phải có quy hoạch cải tạo thành khu đô thị hiện đại, ở Hà Nội cứ chỗ nào hở là xây dựng chen vào, chẳng thấy có quy hoạch cải tạo nào được công bố cho mọi người biết cả, ông Liêm cho biết.

Hiện tại, Thủ đô Hà Nội đang thiếu không gian công cộng, vậy nên quy hoạch phải xem xét, phải căn cứ cụ thể vào từng chỗ đất trống mới cho xây nhà ở, tránh việc chỗ nào nhà máy di dời cũng cho xây cao ốc...

Ông Liêm lưu ý: “Quy hoạch đúng theo nguyên lý của các nước phải do thị trường bất động sản thực hiện, vậy nhưng, ở nước ta quy hoạch lại do thị trường bất động sản điều khiển. Có thể nói, đây là nguy cơ, rất mong Nhà nước và Quốc hội quan tâm, đặc biệt là trong Luật Quy hoạch sắp ra đời”.

Theo quan điểm của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội KTS Đào Ngọc Nghiêm, nếu thành phố không mạnh tay quản lý chặt chẽ quỹ đất sau di dời nhà máy thì có nguy cơ quy hoạch bị méo mó, do đó nhiều chỉ tiêu quy hoạch sẽ không đạt được.

Ông Nghiêm cho rằng, trong quy hoạch chung Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ các khu đất sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường học, nhà máy,… thì phải ưu tiên xây dựng công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe, các dịch vụ công cộng và công trình văn hóa.

(Theo Infonet)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu