Mở ra ồ ạt và thiếu quy hoạch về mặt vị trí, hiện trung tâm thương mại (TTTM) tại Hà Nội đang diễn ra cảnh nơi thì đông đúc, quá tải, nơi lại đìu hiu lãng phí.
Nơi tắc, chốn đìu hiu
Một TTTM lớn vừa được đưa vào sử dụng vào cuối tháng 11/2016, tọa lạc ngay ngã tư Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc (Hà Nội). Hàng ngày, cứ đến giờ đi làm hoặc tan tầm, người dân đi qua luôn phải chịu cảnh tắc đường. Thực trạng này sẽ tái diễn “nặng” hơn khi chỉ cách đó một con phố, tại ngã tư Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Lê Trọng Tấn, một tổ hợp TTTM, văn phòng, nhà ở mang tên The Artemis đang chuẩn bị đi vào hoạt động.
Vừa qua, TP Hà Nội đã phê duyệt cho xây hàng loạt các TTTM tại các khu "đất vàng" như dự án Tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ tại 423 phố Minh Khai (Hai Bà Trưng); Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tại 148 Giảng Võ (Ba Đình). Mặt khác, tiếp tục bổ sung 5 dự án TTTM vào Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020.
TTTM Parkson Thái Hà (Hà Nội) tuyên bố đóng cửa vào tháng 12/2016.
Trong nhiều năm qua, sự phát triển của TTTM ở Hà Nội với nhiều mô hình như cải tạo chợ truyền thống, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư... đã diễn ra ồ ạt. Thực tế cho thấy, số ít TTTM đông khách, đa phần rơi vào cảnh đìu hiu.
Chẳng hạn, tại nhiều TTTM lớn ở Hà Nội như Tràng Tiền Plaza (Hoàn Kiếm), Lotte (Ba Đình), Hàng Da (Hoàn Kiếm),... hoặc những nơi kinh doanh hàng hiệu, chợ trung tâm rất vắng vẻ, thưa thớt khách tới mua.
Đã có hàng loạt các TTTM vừa phải đóng cửa như Parkson Lanmark (Nam Từ Liêm), Grand Plaza (Cầu Giấy). Mới đây, TTTM Parkson Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) cũng tuyên bố sẽ đóng cửa vào tháng 12/2016.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Hà Nội đang thiếu cây xanh, bệnh viện, trường học chứ không thiếu TTTM hay siêu thị. Làm gì cũng phải có quy hoạch, chúng ta phải rà soát xem hiện Hà Nội có bao nhiêu TTTM đang ế ẩm. Có cần thiết phải phát triển TTTM nữa hay không? Các TTTM ở Hà Nội đều nằm ở những vị trí vàng gây lãng phí lớn cho thành phố?".
Xây nhiều trung tâm thương mại gây lãng phí?
Để phát triển các khu đô thị ven đô, TP Hà Nội đã đưa ra quy hoạch và kêu gọi đầu tư thêm hàng loạt TTTM tại xã Kim Nỗ (Đông Anh) quy mô 3-5 ha; TTTM tại phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) rộng khoảng 6 ha; TTTM tại xã Đa Tốn (Gia Lâm) quy mô 3-5 ha; TTTM tại khu đất xã Ngọc hồi, xã Liên Ninh (Thanh Trì) diện tích khoảng 8-10 ha; TTTM tại khu đất phường Yên Nghĩa (Hà Đông) rộng khoảng 2,6 ha…
Bàn về việc có sợ ế TTTM hay không khi một loạt cơ sở đã phải đóng cửa, theo một lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, vấn đền này không nên quá quan ngại.
Vị này cho biết: “Đây là lần đầu tiên Hà Nội kêu gọi tư nhân tham gia xây dựng các công trình giao thông, cơ sở vật chất bằng hình thức PPP (hợp tác công tư). Mục đích của việc huy động tư nhân tham gia các dự án xây dựng cơ bản của Hà Nội là nhằm giảm tải áp lực về ngân sách nhà nước, huy động được vốn tư nhân và kinh nghiệm quản lý các dự án”.
Theo lãnh đạo Sở Công thương: “Kinh tế đang dần ổn định, thu nhập người dân tăng cao. Thị trường bán lẻ vẫn là kênh hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc xây TTTM là cần thiết”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội siêu thị TP Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú đánh giá, các TTTM hoạt động không hiệu quả là do bình quân thu nhập theo đầu người chưa cao (khoảng 2.000 USD/năm) nên nhu cầu mua sắm cao cấp chiếm tỷ lệ thấp chỉ 5-10%. Dự báo sai này đã dẫn đến tình trạng nhiều TTTM làm ăn không hiệu quả phải ngừng hoạt động.
Ông Phú cho biết thêm: “Người Việt Nam vẫn có thói quen đi các chợ truyền thống mua hàng hóa rẻ hơn. Trong khi TTTM bán những sản phẩm vượt quá sức mua có khả năng thanh toán sẽ khó tồn tại lâu dài”.