Giao dịch tăng đột biến
Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Cục
nhà) cho biết hiện giá đã giảm đều từ 20 – 30 %, thậm chí có nhiều dự án
giảm tới gần 50% so với giá ban đầu tại thời điểm sốt.
Ngoại trừ các dự án trong nội thành trung tâm giảm ít còn tất cả các dự
án ngoài khu vực vành đai 3 , ngoại thành đều giảm so với trước đây.
Theo Bộ Xây dựng thì giá các dự án ngoài vành đai đang giảm sâu nhất. Ảnh: Khu đô thị Linh Đàm nằm ven đường vành đai 3 |
Ngoài ra, ông Phấn tỏ ra lạc quan với thị trường khi số lượng mua bán
BĐS tăng lên. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng tổng hợp các nguồn thông tin
từ các doanh nghiệp BĐS, từ Sở Xây dựng, từ các mạng sàn Hà Nội có
khoảng 6.350 dự án giao dịch thành công, có mua bán có thanh toán có
nhận nhà trong năm 2013.
Cụ thể, quý 1 có 800 giao dịch, quý 2 có 1050 giao dịch, qúy 3 có 1.8000
giao dịch, quý 3 có 3.000 giao dịch. Như vậy quý 4 giao dịch tăng gấp 4
lần quý 1 và 3 lần quý 2.
Để củng cố hơn về nhận định thị trường nhà đất đang khởi sắc kéo dài từ
quý 3/2013, Ông Phấn cho biết dư nợ BĐS tăng trở lại, tính đến ngày
28/2/2014 đã tăng 266.728 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 31/12/2013.
“Như vậy dòng tiền từ ngân hàng đã quay trở lại lĩnh vực BĐS, đương
nhiên nó sẽ kéo theo dòng tiền của doanh nghiệp và người dân”, Phó Cục
trưởng Cục nhà nhận định.
Bên cạnh đó, một chỉ dấu cho thấy thị trường BĐS đang ấm lại, người mua
và nhà đầu tư đang quay lại thị trường là thuế trước bạ và thuế thu nhập
cá nhân trong lĩnh vực chyển nhượng BĐS đều tăng qua từng quý. Thuế
trước bạ quý III/2013 có 65 nghìn tỷ, quý IV 2013 tăng lên 80 nghìn tỷ.
Thuế thu nhập cá nhân cho thuê, mua bán nhà ở cũng đều tăng.
“Như vây, các chỉ tiêu này có đủ cơ sở để đánh giá có sự ấm lên của thị
trường BDS, và việc quay trở lại của khách hàng đối với thị trường. Kết
quả này có được do NQ 2 của chính phủ đi trúng các huyệt của thị
trường”, Phó Cục trưởng Cục nhà cho biết.
Không phải phân khúc nào cũng có thanh khoản
Đồng quan điểm với đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội BĐS Việt
Nam cũng cho rằng Thị trường bất động sản đến nay đang đón nhận nhiều
thông tin tích cực, đưa ra những triển vọng sáng sủa trong năm 2014.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam thì nổi
bật trong các phân khúc là sự ấm áp của phân khúc căn hộ chung cư loại
trung bình.
Số giao dịch của phân khúc này đã đang tăng nhẹ đặc biệt ở Hà Nội, tuy
nhiên tại TP Hồ Chí Minh giá có giảm song điều đáng ghi nhận ở phân khúc
này là số lượng giao dịch và sự quan tâm của khách hàng cùng các nỗ lực
của các chủ đầu tư đã có kết quả nhất định.
Đánh giá tâm lý khách hàng, ông Quang bày tỏ lạc quan tin tằng lòng tin
của khách hàng đối với bất động sản đã có dấu hiệu quay trở lại.
Tuy nhiên, chuyên gia đến từ Hiệp hội BĐS Việt Nam vẫn lo ngại khi cho
rằng: “Việc lấy lại lòng tin của người mua nhà còn cần nhiều thời gian
cần có sự đảm bảo chắc chắn của các chủ đầu tư và hệ thống chính sách
thì lòng tin này mới được phát triển tiếp”.
Tuy thị trường có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên dưới góc nhìn
của doanh nghiệp thực tế đang tham gia vào thị trường thì ông Trần Như
Trung, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Tân Hoàng Minh đưa ra nhận định có phần cẩn
trọng hơn. Theo ông Trung thì thị trường không phục hồi ở tất cả các
phân khúc, hiện số liệu của các sàn, các công ty tư vấn đều cho thấy 50 -
80% số lượng giao dịch chủ yếu ở các dự án ở vị trí tốt, có hoạt động
xây dựng, hoặc đã hoàn thiện.
“Nhiều dự án, với điều kiện ngược lại (không có vị trí tốt, chậm tiến độ-PV) thì hầu như không có thanh khoản”, ông Trung nói.
Theo Lao động