Tại Hà Nội, có không ít dự án dù đã bàn giao nhiều năm nhưng vẫn còn hàng tồn, khiến chủ đầu tư phải giảm giá hàng tỷ đồng để cố bán được hàng.
Mới đây, trong một sự kiện bán hàng trực tuyến, chủ đầu tư một dự án ở Trần Duy Hưng, Cầu Giấy đã công bố giảm giá 28-30% với những căn hộ tồn. Dự án này đã bàn giao từ 5 năm nay. Giá căn hộ đã giảm gần 1/3, từ 4,9 tỷ đồng xuống còn 3,4 tỷ đồng. Đa phần các căn được giảm giá đều có diện tích trên 100m2 và được mở bán liên tục nhiều năm nay.
Một dự án khác nằm ở khu vực trung tâm mở bán 3 năm nay, thậm chí đã bàn giao căn hộ cũng phải giảm 8 triệu đồng/m2, đi kèm với những chính sách bàn giao linh hoạt cho các căn hộ "ế". Giá mỗi căn hộ 2-3 phòng ngủ vào khoảng 500-600 triệu đồng.
Nhiều dự án nhà chung cư Hà Nội vẫn đang được xây dựng. Ảnh: Giang Huy
Tại một dự án lớn ở quận Đống Đa, chủ đầu tư cũng sắp công bố giảm giá bán căn hộ xuống còn 30 triệu đồng/m2, trong khi giá trước đó là 35 triệu đồng/m2, tương đương mỗi căn hộ giảm khoảng 500 triệu đồng. Việc giảm giá là do dự án đã bàn giao 4 năm nay nhưng vẫn có một số căn diện tích lớn chưa thể giao dịch dù nằm ở vị trí đẹp.
Không những giảm giá 3-5 triệu đồng/m2 so với các đợt mở bán đầu, một số chủ đầu tư còn tung ra những khuyến mại khủng như tặng vàng, nội thất giá vài trăm triệu đồng, được bốc thăm trúng thưởng hoặc chuyến du lịch nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao. Chủ đầu tư một số dự án khác tại Cầu Giấy cũng chiết khấu 10-12% giá trị căn hộ, tương đương mỗi căn hộ giảm 250-350 triệu đồng.
Việc các chủ đầu tư "đại hạ giá" khiến các nhà đầu tư thứ cấp lỡ ôm hàng cũng gặp vận đen khi phải bán cắt lỗ. Đầu tư một căn hộ tại một dự án ở Cầu Giấy, anh Tuấn (Đống Đa) chi 3,8 tỷ và làm nội thất thêm 350 triệu nhưng 2 tháng nay, anh bán giá lỗ 850 triệu nhưng vẫn không bán được.
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam, ông Phạm Đức Toản thừa nhận, thị trường bất động sản cao cấp có tình trạng giảm giá, đặc biệt ở phân khúc trên 25 triệu đồng/m2. Theo ông, diễn biến này xảy ra khi thị trường căn hộ tại Hà Nội thanh khoản rất thấp, từ phân khúc giá rẻ đến cao cấp.
Cả những dự án đang triển khai đến đã bàn giao đều xuất hiện tình trạng thanh khoản thấp. Theo ông Toản, tại các dự án đã bàn giao, nếu lượng hàng tồn còn nhiều, chủ đầu tư khi sử dụng tiền vay ngân hàng có thể chịu rủi ro về tài chính, bị đọng vốn. Hơn nữa, dự án khi đưa vào sử dụng có thể bị xuống cấp nên hàng năm, doanh nghiệp còn phải chi một khoản để bảo dưỡng. Trong khi đó, khách hàng sẽ đánh giá thấp những dự án ế hàng. Do đó, theo ông, chủ đầu tư sẽ càng lỗ nếu càng giữ giá.
Các nhà đầu tư thứ cấp sẽ càng khó "đẩy" hàng khi chủ đầu tư giảm giá. Ông Toản cho hay, trong thời gian tới, thị trường căn hộ Hà Nội vẫn sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu, không có nhiều hàng mới được ra mắt.