Khảo sát thực tế cho thấy, tại khu vực Đông Anh (Hà Nội), giá đất thổ cư không tăng mạnh, đồng thời thanh khoản kém.
Chủ cửa hàng cà phê kiêm môi giới nhà đất tại Đông Anh, anh Tuấn cho biết, nhà ô mặt đường rộng khoảng 8m quanh khu vực chân cầu Nhật Tân hiện có giá khoảng 180 triệu đồng/m2, giá đất mặt ngõ gần đường lớn từ 40-50 triệu đồng/m2, trong khi đất sâu trong làng giá chỉ từ 12-30 triệu đồng/m2. Tại một số nơi khác như khu vực UBND thị trấn Đông Anh, giá đất mặt đường lớn đang dao động trong khoảng từ 80-150 triệu đồng/m2.
Theo môi giới này, so với cùng kỳ năm trước, giá đất ở đây từ sau Tết cổ truyền 2017 tăng khoảng 30-40%. Một nhà đầu tư vừa mua mảnh đất trên 200m2 đến nay đã lãi hơn 1,1 tỷ đồng.
Trong vòng 1 năm qua, lượng văn phòng giao dịch bất động sản liên tục được mở mới tại xã Hải Bối, chân cầu Nhật Tân, Đông Trù, khu vực thị trấn,... Khách mua đất chủ yếu là nhà đầu tư đến từ các quận nội thành Hà Nội khiến giá đất biến động 30-40%, đại diện các sàn cho hay.
Anh Mạnh - một môi giới viên đánh giá: "Các khu vực khác trong nội thành đầu tư giờ không lãi nhiều vì giá đã bão hòa nên nhiều người tìm kiếm các địa bàn còn dư địa tăng giá lớn như Đông Anh. Giá đất tại đây chắc chắn sẽ tăng lên khi các dự án lớn được triển khai".
Thế nhưng, nhiều người dân sinh sống tại những khu vực này cho biết, tuy số người muốn bán đất khá nhiều nhưng không phải lúc nào cũng giao dịch được. Chị Hoa (xã Vĩnh Ngọc) chia sẻ: “Người đến xem đất không ít, nhưng có khi cả năm vẫn chẳng bán được mảnh nào”.
Ngụ tại quận Đống Đa, anh Chính từng mua đất tại xã Vĩnh Ngọc cũng thừa nhận thực trạng này. Hiện tại, anh cũng đang mắc kẹt với 2 lô đất hơn 200m2 đã mua từ đầu năm ngoái. Dù đã rao bán nửa năm nay nhưng lượng người quan tâm rất ít, anh Chính cho hay.
Chủ đất này nhận định: "Có thể gần đây một số dự án lớn của nhiều chủ đầu tư có những tín hiệu mới khiến môi giới kỳ vọng vào những đợt sóng mới. Song, trên thực tế, thị trường vẫn chưa có những biến động về giá lẫn thanh khoản".
Theo một cán bộ địa chính xã Hải Bối, giá giao dịch đất trên địa bàn xã từ 10-30 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Trên thực tế, lượng giao dịch rất ít và chủ yếu là giao dịch sang tên đổi chủ của những mảnh đất có diện tích lớn.
Khu vực nhà đất Đông Anh đang được môi giới rao bán 180 triệu đồng/m2. (Ảnh: N.T)
Một báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chỉ rõ, giá đất thổ cư Đông Anh (Hà Nội) tăng đến 70%.
Song, theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, ông Trần Thế Huy, địa bàn không xảy ra tình trạng sốt đất như tin đồn thời gian qua. Giá đất tại xã Vĩnh Ngọc tăng khoảng 10-20% trong một năm qua, hiện giao dịch thật trên thị trường rất ít.
Nhiều người dân có đất thổ cư rao bán cũng không ai mua vì đất cần bán hầu hết có diện tích rộng hoặc pháp lý chưa rõ ràng. Trong khi đó, các sàn giao dịch nhà đất trên địa bàn mở ra chủ yếu mang tính tự phát. Vì vậy, khách mua nên tìm hiểu kỹ trước thông tin về giá đất ở khu vực này, ông Huy khuyến cáo.
Là môi giới đất thổ cư khu vực Đông Anh có thâm niên 10 năm, anh Quyền thừa nhận, tuy giá giao dịch tại địa bàn hiện tăng 10-25% nhưng vẫn chưa đạt ngưỡng như giai đoạn sốt giá các năm 2010 - 2011.
Anh Quyền cho rằng: “Bài học giai đoạn trước vẫn chưa hết ám ảnh với nhà đầu tư. Thế nên, dù số lượng nhà đầu tư quan tâm khá nhiều nhưng họ cũng rất thận trọng khi quyết định giao dịch, phải thực sự là những khu vực đường lớn, tiềm năng mới dễ bán”. Thực tế cho thấy, nhiều môi giới kiêm nhà đầu tư ôm khá nhiều đất Đông Anh và đồng loạt tung tin đồn tăng giá làm nhiễu loạn thị trường.
Giám đốc Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills, bà Đỗ Thu Hằng đánh giá, bất động sản Đông Anh hấp dẫn nhà đầu tư bởi hàng loạt công trình giao thông quan trọng tại đây được đưa vào hoạt động cùng với những dự án lớn đổ bộ vào khu vực này. Chuyên gia của Savills cho rằng, giá bất động sản bám sát các trục chính quy hoạch tăng là điều dễ hiểu. Vậy nhưng, giới đầu tư nên thận trọng, tránh đầu tư theo tâm lý đám đông bởi nhiều bài học đã từng xảy ra tại Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh và Đông Anh trước đó.