Nhiều bậc phụ huynh có con em đang độ tuổi mầm non, tiểu học tại một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội như Định Công, Linh Đàm (Hoàng Mai), Nam Trung Yên (Cầu Giấy) đều chung tâm trạng lo lắng bởi trường công lập thiếu trầm trọng.
Sống tại tòa nhà VP6, KĐT Linh Đàm, anh Hoàng Thanh Sơn cho hay, năm học 2016 - 2017, con gái anh là Hoàng Thanh Lan bắt đầu đi học lớp mẫu giáo, tuy nhiên, do trường công quá đông nên anh phải đăng ký cho con học trường tư thục.
Anh Sơn chia sẻ: “Cả khu đô thị rất lớn nhưng trường công ít. Tuy rất muốn cho cháu học ở trường công nhưng không vào được do các trường học quá tải, học sinh quá đông nên buộc phải cho con đi học trường tư. Sẽ tốn kém hơn khi học trường tư, là người công nhân như tôi không biết có đủ khả năng cho con đi học hay không”.
Lo lắng của anh Sơn cũng là thực tế chung của nhiều gia đình sống tại các khu đô thị mới mà hạ tầng xã hội như giao thông, y tế, trường học quá tải. Khu đô thị Linh Đàm từng được biết đến là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội, nhưng nay trở thành một trong những địa bàn có mật độ dân số đông nhất TP. Dân số phường Hoàng Liệt khoảng 32.000 người vào tháng 5/2015 thì nay đã tăng lên khoảng 52.000 người. Tình trạng gia tăng dân số này là việc đưa vào vận hành, khai thác hàng chục tòa chung cư trên địa bàn.
Tại các khu đô thị mới ở Hà Nội, trường công lập cấp mầm non, tiểu học đang thiếu
trầm trọng.
Đáng chú ý là, việc tăng dân số này lại không tỷ lệ thuận với sự phát triển của hệ thống trường học (trường công lập). Hàng chục năm nay, số trường học, nhất là bậc mầm non, tiểu học tại các khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công gần như không đổi. Trên địa bàn phường Hoàng Liệt hiện có duy nhất một trường mầm non công lập chia thành 5 cơ sở chỉ đáp ứng được 13% số học sinh mầm non của phường.
Phường Định Công có một trường mầm non công lập chia thành 3 cơ sở chỉ đáp ứng được gần 30% số học sinh trên địa bàn. Được biết, đây là những trường được xây dựng hàng chục năm trước (khi chưa thành lập quận Hoàng Mai). Sự gia tăng dân số nhanh chóng, trẻ em trong độ tuổi đi học cao trong khi hệ thống trường công gần như không được xây mới, thực tế này đã tạo điều kiện cho hệ thống trường mầm non tư thục tại địa bàn tăng mạnh. Theo thống kê, trên địa bàn phường Hoàng Liệt hiện có hơn 100 trường mầm non tư thục, phường Định Công 50 trường.
“Với tốc độ gia tăng dân số cơ học cũng như nhu cầu học của con em trên địa bàn, trường học chỉ đáp ứng được 50%. Đặc biệt là cấp mầm non, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Hiện 3 cơ sở của trường mầm non chỉ khoảng 1500 cháu. Trên địa bàn hiện có rất nhiều trường mầm non tư thục để phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn”, Chủ tịch UBND phường Định Công, ông Nguyễn Thăng Long cho hay.
Trong khi đó, đại diện chính quyền một số quận nội đô Hà Nội khẳng định rằng, ngành giáo dục đang chịu sức ép rất lớn từ thực trạng gia tăng dân số cơ học. Lý do chính là việc cho xây dựng ồ ạt nhà cao tầng, mật độ dân cư bị dồn nén, trong khi hạ tầng xã hội đi kèm như giao thông, y tế, trường học... dường như bị chủ đầu tư lãng quên. Quy định nêu rõ, với cấp tiểu học sỹ số là 35 học sinh/lớp, thực tế tại nhiều trường thuộc các quận nội đô, nhà chung cư, khu đô thị, sỹ số học sinh đều trên dưới 50 cháu. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, ông Trần Quý Thái cho biết, năm học 2016 - 2017, do tăng dân số cơ học nên trên địa bàn toàn quận đã tăng thêm 6.000 học sinh, chủ yếu là bậc mầm non.
Lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết thêm, số học sinh trong năm học 2016 - 2017 tăng hơn so với năm học 2015 - 2016. Với cấp học mầm non, số trường công trên toàn quận mới đảm bảo được 40,7%, tiểu học là 82,8% và trung học cơ sở 74,3%. Khó khăn nhất là tại các phường Hoàng Liệt, Đại Kim, Định Công. Đây là áp lực cho việc bố trí học sinh trên địa bàn.
Có thể nói, những bất cập trong quy hoạch đô thị, tình trạng “thả phanh” cho xây dựng chung cư trong khi hệ thống trường lớp không được đầu tư xây mới đang đẩy việc học hành của con em tại một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội hết sức khó khăn.