Hải Phòng: La liệt những vùng đất "chết" từ dự án BĐS bỏ hoang

  29/08/2014 - 05:10

Theo kiểm tra, Hải Phòng là một trong số những địa phương có nhiều dự án "treo" nhất cả về số lượng dự án cũng như diện tích đất bị thu hồi. Từ năm 2003 - 2011, TP Hải Phòng đã ra quyết định thu hồi 79 dự án với tổng diện tích 1.221 ha chuyển cho nhu cầu khác. Trong 2 năm 2012 - 2013, qua thanh tra, kiểm tra các tổ chức được giao đất, thuê đất trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã lập hồ sơ xử lý 28 tổ chức sử dụng đất. Trong đó, UBND thành phố đã ra quyết định thu hồi đất của 6 tổ chức với diện tích trên 127 ha.

Đất màu mỡ thành đất hoang

Nói đến dự án treo thì điển hình phải kể đến huyện Thủy Nguyên. Đầu năm 2007, UBND huyện Thủy Nguyên, yêu cầu UBND xã Lâm Động thu hồi hơn 120 ha đất, chủ yếu là đất trồng lúa và đầm nuôi trồng thủy sản để xây dựng NM đóng tàu Lâm Động của Cty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ (CNTT) Thành Long; KCN Cầu Kiền của Cty CP CNTT Shinec, và 12 ha đất nông nghiệp cho dự án xây dựng NM của Cty đóng tàu Sông Cấm. Tổng cộng, xã Lâm Động mất gần 140 ha đất, trong khi diện tích đất tự nhiên chỉ có khoảng 200 ha. Tuy nhiên, đến nay, cả 3 dự án này vẫn để “treo”, khiến ít nhất 400 hộ dân đang sống vất vưởng.

Ngoài ra huyện Thủy Nguyên còn có các dự án như: Năm 2009, UBND TP Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh (Xí nghiệp Quang Minh) được đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Trường Sơn trên địa bàn xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên với diện tích 16ha đất. nhưng đến nay dự án mới chỉ xây dựng được một nhà điều hành - thực chất là một nhà cấp 4 trên diện tích 16ha đất đã được giao. 

Dự án Khu CN nam cầu Kiền rộng 108 ha được bàn giao mặt bằng sạch, nhưng đến nay dự án này cũng không thực hiện việc hoàn thiện một số hạng mục của khu tái định cư. Khu CN rộng hàng trăm ha được chủ đầu tư xây dựng “lổn nhổn” mấy con đường để “xẻ” đất ra cho thuê, nhiều cánh đồng bị thu hồi đất vẫn bỏ hoang...

Với 16 ha đất được giao từ 2009 nhưng đến nay dự án xây dựng nhà máy xi măng Quang Minh mới chỉ có một nhà cấp bốn trống hoác

Ngoài ra, nhiều quận huyện của TP cũng không ngoài “vòng luẩn quẩn”. Đơn cử như quận Hải An, ngày 27/10/2010, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã công bố quy hoạch 1/2000 Khu công nghiệp - đô thị Tràng Cát rộng 790,79 ha do Cty phát triển đô thị Kinh Bắc thực hiện tại phường Tràng Cát, quận Hải An. Theo dự án được Cty phát triển đô thị Kinh Bắc, đây là khu công nghiệp công nghệ cao kết hợp với khu vui chơi giải trí, khu biệt thự lấn biển có tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lên đến 70 triệu USD. Siêu dự án khu công nghiệp đô thị được Cty phát triển đô thị Kinh Bắc và Tập đoàn Foxcom (Đài Loan) cùng góp vốn thực hiện dự án. Nhưng kể từ khi cơ quan chức năng công bố quy hoạch 1/2000, phía nhà đầu tư đã không còn “tiếp xúc” với chính quyền địa phương, DN không triển khai thêm bất cứ hoạt động nào. Cả nghìn ha đất đã được quy hoạch vẫn “treo” trên giấy...

Lãnh đạo UBND xã Lâm Động cho biết, xã xót vì đất bỏ hoang dân không có đất làm ăn. Một mặt đất đã được quy hoạch nên không ai dám đầu tư, tu bổ kênh mương, đê kè... Vì thế có cấy thì năng suất thấp, thậm chí mất trắng do ngập úng. Khổ nhất là những đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ giờ trở nên hoang hóa. Một số chủ đầm tiếc đất và công sức đã trồng chuối chứ không dám đầu tư, cải tạo để nuôi trồng thủy sản.

Đất nông nghiệp thì thế, đất ở còn khổ hơn. Nhiều  nóc nhà xiêu vẹo, sắp đổ nhưng không được phép xây dựng lại. Hàng chục người dân tại xã Lâm Động búc xúc: nếu dự án thực hiện thì bồi thường, bố trí tái định cư, còn không thì chính quyền cũng nên cho gia đình được xây dựng lại để yên tâm sinh sống.

Buông lỏng thẩm định

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, nguyên nhân dẫn tới các dự án “treo” là do các cơ quan chức năng chưa thẩm định kỹ tính khả thi dự án trước khi cấp giấy phép đầu tư; việc xác định quy mô sử dụng đất chưa sát với yêu cầu công năng của dự án và quy hoạch phát triển ngành - lĩnh vực, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các quận, huyện…

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên, để hạn chế đất “bỏ hoang” thời gian tới huyện đề xuất UBND thành phố xem xét thu hồi một số dự án Tân Quang Minh tại xã Thủy Sơn, dự án của Cty CP kinh doanh kim khí tại xã Gia Minh, dự án trung tâm thương mại huyện Thủy Nguyên của Cty CP Bắc Mật, dự án xây dựng Nhà máy xi măng Trường Sơn tại xã Gia Đức, dự án xây dựng nhà máy xi măng Liên Khê tại xã Gia Minh.

Việc chấp hành luật pháp không tốt, xử lý lại không nghiêm ngay từ đầu đã tạo tiền lệ xấu để dự án sau, nối tiếp dự án trước cùng "treo".

Sở dĩ có tình trạng nhiều dự án "treo" như vậy, ngoài một số nguyên nhân khách quan ra, nguyên nhân sâu xa được đánh giá, là do năng lực của chủ đầu tư hạn chế. Trong khi đó, khâu thẩm định cũng như hậu kiểm sau khi giao đất cho chủ đầu tư lại chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí dễ dãi theo tinh thần "trải thảm đỏ". Lợi dụng điều này, không ít nhà đầu tư đã "vẽ" ra hàng loạt dự án trên trời, dù biết rằng những dự án đó là khó khả thi. Một nguyên nhân khác, không thể không kể đến, đó là việc xử lý vi phạm về Luật Đất đai còn quá nương tay đối với những đơn vị được giao đất nhưng không sử dụng đúng như quy định và cam kết của họ. Việc chấp hành luật pháp không tốt, xử lý lại không nghiêm ngay từ đầu đã tạo tiền lệ xấu để dự án sau, nối tiếp dự án trước cùng "treo", mà không hề phải chịu bất cứ một hình thức xử lý nào.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), hậu quả của những dự án “treo”, quy hoạch “treo” không chỉ gây lãng phí mà còn khiến không ít gia đình có đất trong khu vực có dự án đó tái nghèo hoặc nghèo hơn. Do đó, tìm lời giải cho bài toán này là một yêu cầu bức thiết. Cũng theo ông Vinh, quy hoạch đất cần có yêu cầu bắt buộc lấy ý kiến người dân và đảm bảo sự đồng thuận của người dân; công bố công khai lộ trình, thời gian thực hiện dự án. Quy trình minh bạch qua việc quy định cụ thể thời gian giữa các bước trong trình tự thủ tục quy hoạch và sử dụng quy hoạch sẽ góp phần hạn chế đất “treo”.

(Theo DĐDN)

 

(Theo )

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu