Chiều 12/8, tại trụ sở của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã có buổi làm việc với Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) và các doanh nghiệp hội viên. Lần đầu tiên, các doanh nghiệp BĐS đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, gây khó cho doanh nghiệp với tân Bộ trưởng.
Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Xây dựng và các doanh nghiệp BĐS
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân nêu ra một số khó khăn trong việc kinh doanh nhà ở xã hội (NOXH): Luật yêu cầu chủ đầu tư dự án NOXH phải công bố giá bán trước khi triển khai dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có nhiều trường hợp bất khả kháng xảy ra, khiến cho chi phí bị tăng lên như giá thép trên thị trường tăng. Ông Tuấn kiến nghị Bộ Xây dựng cần có biện pháp để nguồn cung, giá nguyên vật liệu cho dự án NOXH giữ mức ổn định.
Ngoài ra, ông Quân còn nêu ý kiến về vấn đề dự án NOXH được dành 20% cho phần thương mại. Hiện nay, luật yêu cầu nhà bán ra phải có bảo lãnh của ngân hàng, 80% dự án là NOXH chúng tôi đã bán hết, 20% phần thương mại còn lại sẽ khó bán vì ngân hàng không bảo lãnh cho 20% này, họ chỉ chấp nhận bảo lãnh cho cả dự án. Điều này thực sự gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan vấn đề NOXH, ông Tạ Văn Tố, Tổng Giám đốc CEO Group chỉ ra những bất cập trong việc có 2 giá bán. Hiện, công ty này đang thực hiện xác định giá bán làm 2 lần, một lần làm cơ sở để chủ đầu tư triển khai kinh doanh. Lần thứ hai làm cơ sở để chủ đầu tư làm sổ đỏ cho người mua. “Chúng tôi kiến nghị, việc xác định giá bán chỉ nên làm một lần để làm cơ sở cho tất cả các thủ tục”, ông Tố nói.
Ông Tố cho biết thêm, một vấn đề khác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, đó là đối với những khách hàng vay tiền mua NOXH. Các khách hàng có hợp đồng mua bán tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn khi Thông tư 25 có hiệu lực, ngân hàng chỉ giải ngân cho vay khách hàng kể từ ngày 1/6 đến ngày Thông tư 25 có hiệu lực (ngày 1/8) với điều kiện khách hàng đáp ứng quy định của chương trình và đủ điều kiện áp dụng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, các ngân hàng sẽ thực hiện hoàn trả phần chênh lệch lãi suất hoặc bù trừ cho khách hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest lại phân tích, điều 57 Luật kinh doanh BĐS quy định doanh nghiệp phải cấp sổ đỏ cho người mua nhà khi người mua đã hoàn thành 95% nghĩa vụ tài chính. Thực tế là nhiều dự án đã bàn giao cho khách hàng, chưa thu hết được 5% còn lại của khách mà vẫn phải làm sổ đỏ. Tuy nhiên, do chưa thu được 5% nhưng vẫn phải thanh lý hợp đồng rồi mới làm được sổ đỏ, điều mâu thuẫn này gây khó cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, quy đinh 20% đất của dự án để làm NOXH nhưng lại có mâu thuẫn trong trường hợp dự án cắt 20% đất làm trường học, đề nghị cần có sự bổ sung quy định để giảm tải cho doanh nghiệp. Vô hình trung, nhiều dự án có đơn giá đất rất cao, cái này là sự vô lý. Nên xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, nếu dự án có trường học thì nên bỏ quy định cắt 20% cho NOXH.
“Thêm một khó khăn nữa là thanh tra dự án liên tục, chúng tôi làm ăn chính đáng nhưng liên tục phải tiếp thanh tra. Chẳng hạn như Thanh tra của Cục thuế, Thanh tra của Thành phố, Thanh tra quận, mặc dù Thủ tướng đã có yêu cầu trong cùng 1 thời điểm chỉ nên có 1 đoàn thanh tra đến kiểm tra dự án”, ông Hiệp nói.