Hiện tỉnh Hòa Bình có 421 dự án đầu tư, với 31 dự án trong đó có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tổng vốn đăng ký 468 triệu USD và 389 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 45.975 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2015, Hòa Bình đã cấp phép cho 31 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án FDI với số vốn đăng ký là 4 triệu USD và 27 dự án trong nước có số vốn đăng ký đạt 2.549 tỷ đồng.
Mới đây, tại hội nghị đánh giá kết quả thu hút đầu tư do Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức, ông Bùi Văn Tỉnh - Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát các chính sách, cơ chế, giảm đến mức tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch để trở thành đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư khi vào tỉnh lập dự án, cùng đó hỗ trợ nhà đầu tư gặp khó khăn khi thực hiện.
Tỉnh Hòa Bình quyết tâm xây dựng quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Ông Tỉnh cho biết, Hòa Bình đã ban hành các cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và quy định trình tự giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư dự án có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh này quyết tâm thực hiện xây dựng quỹ đất sạch. Năm 2016 có 50 ha quỹ đất sạch phục vụ cho công tác thu hút đầu tư. Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp cũng có bước tiến mới với 4 khu công nghiệp từ chỗ chậm hoặc ngừng thi công thì nay đã cơ bản hoàn thành để đón các nhà đầu tư, nhất là khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà được đầu tư cả hạng mục nhà ở cho công nhân lao động, ước tính khoảng 180 tỷ đồng.
Hiện Hòa Bình đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại du lịch, được xác định là đầu mối quan trọng kết nối giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng cơ quan, doanh nghiệp có vị trí quan trọng giúp lãnh đạo tỉnh Hòa Bình giải quyết những đề nghị chính đáng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trước hết là để thu hút các doanh nghiệp dệt may và lâu dài là đón nhận làn sóng đầu tư do tác động của TPP trong thời gian tới.