Nhằm giải cơn khát bành trướng quỹ đất, các tập đoàn lớn ở Việt Nam đang âm thầm thâu tóm công ty đối thủ, mua 100% hoặc từng phần doanh nghiệp ngoài ngành.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2016 của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), nhiều cổ đông quan tâm đến việc Bầu Đức mua Công ty cao su Đông Dương trong bối cảnh 'vàng trắng' vẫn đang ở vùng giá đáy.
HAGL vẫn tỏ ra chưa hài lòng dù tổng quỹ đất đang nắm giữ khoảng 80.000 ha phục vụ cho hoạt động nông nghiệp. Tuy đang phải xử lý dòng tiền eo hẹp do giá cao su lao dốc nhưng tập đoàn này vẫn xin ý kiến cổ đông mua 100% cổ phần Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương.
Bàn về vấn đế này, Bầu Đức lý giải, do đặc thù phát triển nông nghiệp nên tập đoàn luôn cần quỹ đất sạch, giá rẻ, chất lượng tốt để trồng trọt và chăn nuôi. Theo đó, việc mua lại toàn bộ Công ty cao su Đông Dương để thực hiện kế hoạch tăng quỹ đất phục vụ nông nghiệp - ngành nghề cốt lõi của tập đoàn.
Ngành cao su hiện đang gặp nhiều khó khăn, tập đoàn cũng hạn chế khai thác để tránh lỗ, tất nhiên mua Đông Dương không vì mục đích phát triển thêm loại cây này, Chủ tịch HAGL phân tích. Vị này cho biết: "Tôi xác định thương vụ nhắm đến giá trị đất đai rẻ, giá thấp hơn thị trường rất nhiều, mua để trồng trọt hoặc bán đi đều có lãi".
Được biết, Tập đoàn HAGL và các công ty thành viên đang có kế hoạch trồng cây ăn trái, (khoảng 15 loại), tuy chưa công bố cụ thể nhưng đã sẵn sàng cho chiến lược phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao. Vì vậy, phần lớn cổ đông đồng tình với nước cờ thâu tóm doanh nghiệp của Bầu Đức.
Các tập đoàn lớn ở Việt Nam âm thầm mua công ty đối thủ để giải cơn khát bành
trướng quỹ đất. (Nguồn ảnh: H.C).
Thời gian qua, thương vụ mua cổ phần doanh nghiệp ngoài ngành điển hình để nhắm đến quỹ đất được chú ý thuộc về đại gia VinGroup. Thông tin Vingroup sắp mua cổ phần một công ty sách được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hé lộ vào trung tuần tháng 3. Doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội tiếp cận với quỹ đất lớn gồm 6 dự án của Công ty Sách Việt Nam (Savina) thông qua hình thức mua thỏa thuận trực tiếp 44 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) của doanh nghiệp này với giá 10.500 đồng. Trường hợp thương vụ hoàn thành, chỉ bỏ ra 463 tỷ đồng mua cổ phần công ty này, tập đoàn địa ốc đình đám nhất Việt Nam hiện nay sẽ tận dụng được lợi thế cực lớn về quỹ đất của đối tác để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, điều kiện là Vingroup phải cam kết gắn bó lâu dài với Savina, dự án đầu tư khả thi, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp và cải tạo nâng cấp tòa nhà 44 Tràng Tiền làm trụ sở công ty, trung tâm kinh doanh phát hành sách. Tối thiểu trong 5 năm, Vingroup không được chuyển nhượng cổ phần. Savina có trụ sở tại con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội, cạnh Trung tâm Thương mại Tràng Tiền (Hoàn Kiếm) và đang quản lý quỹ đất lên đến hàng chục nghìn mét vuông tại Hà Nội, với những vị trí đắc địa như 22A-B Hai Bà Trưng, 44 Tràng Tiền, Dịch Vọng (Cầu Giấy). Đa phần các dự án này đang sử dụng, để trống hoặc cho thuê, có những dự án chờ chuyển đổi công năng.
Từ đầu năm 2016 đến nay, thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để săn lùng quỹ đất diễn ra sôi động. Điển hình là các thương vụ như Tập đoàn BRG mua lại 70% cổ phần tại dự án Sedona Suites Hanoi (Hồ Tây) từ Keppel Land Việt Nam với giá 31,5 triệu USD. Trong khi đó, ThaiGroup thông qua đấu giá đã mua lại cổ phần của Công ty Du lịch Kim Liên từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để nắm quyền khai thác khu đất vàng 3,5 ha Khách sạn Kim Liên (Đống Đa). Bên cạnh đó còn có thương vụ Công ty cổ phần Tập đoàn T&T mua lại Tổng công ty Rau quả, nông sản (Vegetexco) với hàng loạt khu đất trên địa bàn cả nước.
Kết quả khảo sát cho thấy, ngoài những thông tin được công bố, suốt nhiều năm qua, thị trường mua bán doanh nghiệp để săn quỹ đất đã hình thành những cơn sóng ngầm. Các công ty có quỹ đất được bán và doanh nghiệp đi mua hình thành những điều khoản bảo mật nghiêm ngặt để hạn chế mức độ ảnh hưởng đến những công ty thành viên.
Theo Phó Tổng giám đốc một công ty địa ốc chuyên phát triển nhà ở trung - cao cấp tại Tp.HCM, mua bán doanh nghiệp thường vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như phát triển mạng lưới phân phối, mở rộng đầu tư nhà xưởng, chiếm thị phần, tích lũy quỹ đất... Tỷ lệ mua bán doanh nghiệp nhắm đến quỹ đất có thể chiếm đến 50%. Vị này cho hay: "Riêng lĩnh vực bất động sản, hoạt động mua bán sáp nhập công ty để giành quyền khai thác quỹ đất chiếm từ 60-70% trên tổng số các giao dịch đã hoàn tất".
Do các điều khoản cam kết bí mật nên thông tin về thị trường mua bán doanh nghiệp để săn quỹ đất thường ít được hé lộ vì, trừ khi doanh nghiệp đã lên sàn buộc phải công bố theo quy định. Còn nếu là doanh nghiệp chưa lên sàn, khả năng thông tin này sẽ được giữ kín một thời gian dài.
Lý do là, mỗi công ty sở hữu quỹ đất đều trực thuộc một công ty mẹ đang niêm yết hoặc đã cổ phần, mọi động thái thay đổi tài sản đều có thể tác động đến thị giá cổ phiếu cũng như tình hình kinh doanh chung của cả hệ thống. Mặt khác, do quá trình đàm phán, thương thảo thường kéo dài nên thông tin công bố cũng được giữ kín càng lâu càng tốt nhằm tránh bị đối thủ cạnh tranh trực tiếp phá bĩnh.
Dù mua bán doanh nghiệp dưới bất cứ hình thức nào thì quỹ đất luôn nằm trong nhóm tài sản chủ chốt, đây là mục tiêu săn lùng của các đại gia, vị này cho biết. Theo ông, đây là một thị trường kén khách nhưng lại màu mỡ đến độ những tay chơi có thể lãi lớn chỉ sau một đêm nếu mua được hàng tốt. Cuộc đua mua bán doanh nghiệp săn quỹ đất hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng tốc trong 6-12 tháng tới.