Không hiếm dự án ma "kiểu Alibaba" ở vùng ven Hà Nội

  23/09/2019 - 11:16

Dù không nằm trong danh sách các dự án được chính quyền địa phương phê duyệt, thậm chí vẫn còn là đất trồng cây lâu năm do cá nhân đứng tên, chưa lập dự án nhưng nhiều khu đất vẫn được phân lô bán nền một cách rầm rộ.

Một số dự án nằm ở Sơn Tây, Xuân Mai như: Hoà Lạc Lake View, Golden Lake Hoà Lạc, Adoland Capital 8, Tiến Xuân Green... được rao bán rầm rộ trên các trang trực tuyến từ vài tháng nay. Song, đây đều là khu đất do cá nhân đứng tên sở hữu và không nằm trong danh sách các dự án đã được chính quyền địa phương phê duyệt.

Gọi vào số điện thoại đăng tin rao bán dự án khu dân cư Golden Lake Hoà Lạc (xã Cổ Đông, huyện Sơn Tây) trên mạng, PV được người nghe máy giới thiệu là môi giới tên Hùng, hiện đang phân phối sản phẩm tại dự án này. Theo lời quảng cáo của người môi giới này, dự án có quy mô diện tích 8ha, sản phẩm là các lô đất nền, biệt thự, liền kề, nhà phố nằm cạnh hồ tự nhiên rộng 3ha, cơ sở hạ tầng tiện ích cùng hệ thống cây xanh đã được xây dựng đầy đủ. Sẽ có 100 lô đất nền tại dự án được phân phối trong giai đoạn 1 và 50 lô biệt thự bán trong giai đoạn 2 với giá trong khoảng 9,5-18,5 triệu đồng/m2, tùy diện tích, vị trí. Nội dung thu hút nhất trong lời quảng cáo của môi giới Hùng chính là các lô đất đều có sổ hồng vĩnh viễn với mức lợi nhuận đầu tư mỗi năm trung bình là 30%. Để củng cố niềm tin cho khách hàng, người này khẳng định chắc nịch: "Cam kết hoàn tiền và đền bù 10% giá trị hợp đồng khi không giao sổ đúng thời hạn".

Ngoài ra, hình ảnh khu đất và một số hình phối cảnh 3D của dự án cũng được môi giới Hùng chụp và đăng cùng với tin rao.

dự án ma
Ảnh chụp khu đất được quảng cáo là dự án Golden Lake Hoà Lạc trên địa bàn huyện Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Hà

Nhưng khi tìm đến địa chỉ dự án được đăng trên tin quảng cáo rao bán, PV nhận thấy đây chỉ là khu đất vườn trồng cây lâu năm nằm cạnh một hồ tự nhiên. Được biết, một phần của khu đất đang được cho thuê làm sân tập lái xe, còn không có hạng mục nào nằm trong diện được phép xây dựng. Theo thông tin của một người dân sống gần dự án, tầm 2 tháng trở về trước có rất nhiều người được môi giới đưa đến để xem đất, nhưng gần đây thì chỉ thi thoảng mới có người vào dò hỏi thông tin dự án. Tuy nhiên, chị không hề biết có dự án bất động sản trên khu đất này, bởi người dân vẫn đang trồng bưởi ở đây.

Còn ông Khuất Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cho hay, lô đất được quảng bá là dự án Golden Lake vốn là đất thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Thanh Hải và bà Ngô Thị Chanh. Mục đích sử dụng đất trong Giấy chứng nhận ghi rõ là trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản trong thời gian 46 năm. Còn theo quy hoạch nông thôn mới của xã đã được thông qua, lô đất sẽ là nơi xây dựng trung tâm dưỡng lão của thành phố. Vậy nên, lô đất trên không được phép thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng cũng như mua bán giao dịch.

Người đứng đầu xã Cổ Đông cho biết thêm, xã đã gọi chủ nhân của lô đất trên lên làm việc, nhưng ông Hải khẳng định chưa hề bán lô đất trên cho bất kỳ ai và cũng không hề biết đơn vị đang rao bán các nền đất tại đây. Về phía đơn vị quảng cáo dự án tại khu đất này, vị Chủ tịch xã cũng đã gửi giấy mời tới làm việc, song họ đã không có mặt.

Chủ tịch Trường nói: "Hiện công an đã vào cuộc điều tra việc mua bán dự án trên. Chúng tôi cũng thường xuyên có những cảnh báo trên loa phát thanh của xã để người dân trên địa bàn nắm được, tránh vướng tình trạng lừa đảo".

Dự án ma Tiến Xuân Green
Dự án ma Tiến Xuân Green được đăng tin rao bán trên một số website bất động sản trực tuyến. Ảnh chụp màn hình.

Cũng được quảng cáo đạt lợi nhuận lên tới 50%/năm, có đầy đủ sổ đỏ, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nhưng dự án Khu dân cư Tiến Xuân Green, nằm trên địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Quốc Oai thực chất thuộc quyền sở hữu của ông Trần Văn Hồng (thường trú ở huyện Thạch Thất). Trên thực tế, khu đất hơn 1ha này chỉ có 400m2 đất ở còn lại là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi, vẫn bỏ trống, chưa san đất và cũng chưa có hạ tầng. Tuy nhiên, trên thông tin quảng cáo của môi giới, nơi đây đã có đường nội khu 6m, vỉa hè rộng 1,2m, thậm chí còn có cả hình ảnh sơ đồ phân lô và hình ảnh khách mua đến tham quan dự án rất đông.

Trước thực tế trên, Quách Đình Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, nơi có dự án ma đã cảnh báo người dân cũng như các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước những lời mời chào mua sản phẩm tại dự án này.

Các chiêu thức tương tự như những dự án trên cũng được các môi giới áp dụng để quảng cáo dự án khu dân cư Adoland Capital 8 nằm trên đường Nông Lâm, thuộc xã Phú Cát, huyện Quốc Oai. Theo lời giới thiệu của môi giới tên Hiếu, các lô đất tại dự án này hiện đang có giá 8-11 triệu đồng/m2. Nhưng thông tin từ đại diện của một văn phòng môi giới chuyên phân phối sản phẩm bất động sản ở khu vực này thì không có dự án khu dân cư Adoland Capital 8 nào tồn tại ở đây.

Còn theo đại diện UBND xã Phú Cát, chỉ có 400m2 của khu đất được chứng nhận là đất ở, hàng nghìn m2 còn lại là đất trồng cây lâu năm được người dân lên làm kinh tế mới khai phá. Trường hợp muốn chuyển lên đất ở thì theo quy định cũng chỉ được 120m2. Vị này cho biết thêm, khi nắm bắt được thông tin có dự án trên khu đất trên, chính quyền địa phương cũng đã làm việc với đơn vị quảng cáo yêu cầu không đăng thông tin rao bán đất với tên dự án khi chưa hoàn tất các thủ tục về mặt pháp lý theo quy định hiện hành.

Theo nhận định của giới kinh doanh, những khu đất được rao bán dưới dạng dự án đất nền khi chưa được phê duyệt, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đang xuất hiện tại một số khu vực vùng ven Hà Nội khá giống với mô hình mà Địa ốc Alibaba đã thực hiện. Chủ tịch HĐQT của tập đoàn này là ông Nguyễn Thái Luyện cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh giữ chức Giám đốc mới đây đã bị cơ quan chức năng bắt vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua công tác kiểm tra, Cơ quan bước đầu xác định nạn nhân của công ty này đã lập ra 40 dự án ma tại nhiều địa phương khác nhau, số nạn nhân bị lừa có thể lên tới 6.700 người với khoản tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng.

(Theo vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu