“Rộng cửa” vì có… niềm tin?
Theo Bộ Xây dựng, NHNN đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 19
doanh nghiệp (DN) với số tiền 1.701 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng đã
giải ngân cho 12 DN 566,5 tỷ đồng.
Đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, đã có 5 ngân hàng cam kết
cho vay 2.687 trường hợp với tổng số tiền 1.013 tỷ đồng; trong đó, hầu
hết khách hàng đều có “tiền tươi thóc thật” trong tay.
Như vậy, hơn 2.700 tỷ đồng được “lên kệ” , tức là nếu coi gói vay như
việc xây một tòa nhà 10 tầng, ta mới xây xong… tầng 2. Cứ tốc độ này,
phải mất gần chục năm để “tòa nhà” hoàn thành. So với mục tiêu 3 năm
hoàn thành giải ngân, có lẽ ai cũng nghĩ đây là một nhiệm vụ khó khả
thi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thời điểm tháng 1-2014, chúng ta
mới giải ngân hơn 800 tỷ đồng, nghĩa là chưa xây xong tầng trệt của tòa
nhà, thì rõ ràng, tốc độ “thi công” đang tăng theo cấp số nhân. Và theo
đó, công trình 30.000 tỷ đồng đang “thoát”.
Đồng thời với những chính sách mới về quản lý nhà ở như đề xuất giao
dịch không phải thông qua sàn, chính nhu cầu thực tế của người dân là
nguyên nhân của sự thay đổi. Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Phó TGĐ một Cty
CP dịch vụ BĐS, hiện nay, nhu cầu vay từ gói 30.000 tỷ đồng đang rất
được nhiều người quan tâm, đợt mở bán căn hộ dự án Cty ông vừa qua đã có
hàng trăm khách hàng tiếp cận và hơn 50 khách hàng vay thành công từ
gói hỗ trợ này tại dự án. Có thể nói, bây giờ là thời điểm thiên thời,
địa lợi và nhân hòa để vay vốn ưu đãi mua nhà thu nhập thấp.
Tuy “thoát” là vậy, song có vẻ vẫn là chưa đủ với các cơ quan chức năng
khi mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục ký một Thông tư liên tịch cùng NHNN,
Bộ TN-MT và Bộ Tư pháp, theo đó mở rộng hàng loạt cánh cửa gói vay
30.000 tỷ đồng. Do đó, cho phép các đối tượng thu nhập thấp có thể dùng
căn hộ mua tại dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội để thế chấp tại ngân
hàng khi vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở của Chính phủ.
Bộ Xây dựng cho rằng, đây là bước đột phá quan trọng trong các quy định
về điều kiện, thủ tục cho người thu nhập thấp khi vay gói 30.000 tỷ đồng
để mua nhà. Bởi trước đó, để có thể vay được, các ngân hàng buộc người
vay phải chứng minh khả năng trả nợ hoặc phải có tài sản khác thế chấp.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam còn “bật mí”, tới đây,
người thu nhập thấp khi vay vốn mua nhà, thay vì phải “hai con dấu” xác
nhận của cơ quan đang làm việc và chính quyền địa phương, thì chỉ cần
“một con dấu” xác nhận về tình trạng nhà ở và thu nhập là có đủ điều
kiện vay vốn mua nhà. Khi chỉ cần “một cửa”, rõ ràng gói vay 30.000 tỷ
đồng sẽ có nhiều biến chuyển. Song nhiều người lo ngại, sự biến chuyển ở
đây sẽ là những tiêu cực trong công tác khai báo khi chỉ cần “một con
dấu” là cơ quan.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, “sẽ có hậu kiểm” và tin vào sự giám
sát lẫn nhau của các đồng nghiệp trong cơ quan người khai báo(?!). Ông
Nguyễn Trần Nam cho rằng, quy định như vậy tạo điều kiện tối đa cho
người dân về các thủ tục, hồ sơ giấy tờ để họ có thể nhanh chóng có nhà
ở. Nhưng thực tế, những cánh cửa mở này sẽ được ai bước vào, người dân
hay những kẻ lợi dụng đầu cơ?
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, pháp luật quy định việc người khai báo
và lãnh đạo đơn vị khi ký vào bản xác nhận phải chịu trách nhiệm về
những thông tin của người vay vốn mua nhà. Tuy nhiên, dư luận lo ngại,
việc tạo điều kiện này đồng thời khiến tiêu cực dễ xảy ra. Khi “chuyện
đã rồi” lại chạy theo xử lý thì liệu có là “vẽ đường cho hươu chạy”?
Chị Nguyễn Tố Nga, nhân viên một ngân hàng thương mại ở quận Hai Bà
Trưng, Hà Nội, nêu ý kiến: Bộ Xây dựng vốn không giữ nguồn tiền cho vay
mà chỉ là cơ quan thẩm định dự án đủ điều kiện và nhận biết nhu cầu mua
nhà của người dân. Thực tế khi cho vay, chuyện có “một dấu, một cửa” hay
không chỉ là một điều kiện nhỏ.
Theo Bộ Xây dựng, gần 10% gói vay 30.000 tỷ đồng đã được cam kết cho vay. Ảnh:TL |
Những miếng ngon, bên thứ 3 “chén” trước?
Việc dễ tiếp cận hơn với gói 30.000 tỷ đồng có thể gỡ khó cho chủ đầu tư
và người mua nhà hay không còn phải để hạ hồi phân giải, song giới kinh
doanh nhà đất lại đang có “đất” để trục lợi. Những câu quảng cáo kiểu
“mua nhà này được ưu đãi vay gói 30.000 tỷ đồng, được vay 10-15 năm mà
lãi suất 5%”, đang nhan nhản tại nhiều sàn BĐS trên địa bàn Hà Nội.
Nhưng đằng sau đó, bảng giá chênh lệch mà các sàn này “niêm yết” lên tới
hàng trăm triệu đồng.
Anh Trần Văn Nam, nhân viên một siêu thị ở quận Hà Đông cho biết, anh
định hỏi mua căn hộ diện tích 53m2, song khi hỏi nhân viên một sàn BĐS
trên địa bàn, anh nhận được câu trả lời: “Các căn hộ diện tích dưới
70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 của dự án Cty tôi đã hết, cung đang
thiếu so với cầu. Tôi có thể giới thiệu anh dự án khác với tiền chênh
lệch là 120 triệu đồng”(?!). “Khoản ưu đãi thì chưa rõ, song tiền chênh
lệch thì tôi sẽ phải bỏ ra trước rồi mới làm thủ tục vay ngân hàng”, anh
Nam nêu thắc mắc.
Thực tế, nếu Bộ Xây dựng giải quyết được bài toán nguồn cung nhà ở bình
dân và hỗ trợ DN chuyển mục đích dự án sang nhà ở xã hội, chính nhu cầu
đang có thực của người dân sẽ giải quyết tính thanh khoản của thị
trường. Một thị trường có nhiều sản phẩm nhà ở với diện tích nhỏ, mang
tính xã hội, giá rẻ, đồng thời được hỗ trợ của Nhà nước, rõ ràng là có
khả năng bình ổn giá nhà ở nói chung trên thị trường, đưa giá nhà ở về
giá trị thực, người cần nhà tìm được đúng loại hàng hóa mình cần. Các cơ
quan chức năng nên có những quy định nhằm hạn chế hiện tượng đầu cơ nhà
đất kiếm lời, tương tự đề xuất bỏ quy định giao dịch BĐS phải qua sàn,
giúp người mua có thể tiếp cận trực tiếp với người bán gốc.
Gói 30.000 tỷ đồng vốn không phải để giải cứu thị trường BĐS mà là một
định hướng thị trường, một phép toán vĩ mô của Chính phủ. Vì vậy, đương
nhiên không thể nóng vội trong công tác giải ngân. Khi mở cửa quá rộng,
dòng vốn hỗ trợ có thể sẽ lệch mục tiêu nếu quá trình thẩm định, xét
duyệt, không làm chặt chẽ, sai đối tượng. Điều đó sẽ dẫn đến các tình
trạng lợi dụng, tham nhũng, làm thất thoát và khó tránh khỏi dư luận lên
tiếng…
Nhu cầu tìm hiểu và vay mua nhà từ gói 30,000 tỷ đồng đang sốt hơn lúc
nào hết, trong khi số lượng căn hộ thương mại của các dự án đáp ứng đủ
điều kiện hưởng gói 30.000 tỷ đồng lại không nhiều. Như vậy, ngoài việc
tập trung đẩy gói 30.000 tỷ đồng “qua cửa” 3 năm, một yêu cầu bức thiết
đặt ra với các cơ quan chức năng là vấn đề “đóng cửa” những tiêu cực có
thể nảy sinh về chất lượng các căn hộ và tình trạng cò mồi trục lợi.
Bộ Xây dựng cho biết, sẽ ban hành quy định người sở hữu nhà ở xã hội
không được chuyển nhượng trong 5 năm (quy định hiện hành là 10 năm);
hướng dẫn nới lỏng điều kiện mua nhà ở xã hội từ chưa có nhà ở hoặc nhà ở
chật hẹp dưới 8m2/người (trước đây là dưới 5m2/người); bổ sung đối
tượng công nhân các cơ sở sản xuất ngoài KCN cũng được mua nhà ở xã hội
(trước đây chỉ có đối tượng công nhân KCN được thuê nhà ở xã hội)… Dư
luận đặt câu hỏi, liệu những chính sách nới rộng này, có tới được tay
người dân?
Theo Pháp luật & Xã hội