Trước đây, khi đầu tư các dự án, những đại gia BĐS có thể lãi tới 50%,100% và thậm chí hơn thế nữa.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, hiện nay giá BĐS đã giảm rất nhiều, có những dự án đã giảm tới 50%. Đây là mức giá rất có lợi cho người mua nhà, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp.
Còn đối với chủ đầu tư, mức giảm này sẽ khiến họ không có lãi hoặc lãi rất ít. Như vậy có nghĩa là, trước kia, khi BĐS "sốt nóng" giá nhà đất đã bị đẩy lên quá cao và chủ đầu tư đã thu về một khoản lợi nhuận "kếch xù".
Ông Võ nhấn mạnh, khi giá nhà đất tăng cao, với mỗi dự án, các chủ đầu tư có thể lãi tới 50%, thậm chí là 100% hoặc hơn thế nữa. Vì khi đó thị trường được quyết định bằng quy luật cung - cầu.
Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng việc làm nhà với giá khoảng 10 triệu đồng/m2 là việc "không tưởng". Bởi mức giá này chỉ tương đương với mức vốn sau khi xây dựng, và còn chưa có chi phí giá đất cũng như một số chi phí khác.
Nhiều đơn vị đã thẳng thắn bác bỏ việc hạ giá nhà xuống dưới 10 triệu đồng/m2. Nhưng trên thực tế thị trường đã chứng minh điều ngược lại. Các dự án nhà ở thương mại giá rẻ có mức giá từ 11-13 triệu đồng/m2 đã xuất hiện rất nhiều trên thị trường. Trong khi đó, trước kia, mức giá có thể gấp đôi hoặc thậm chí là gấp ba hiện tại.
Đặc biệt, với những ưu đãi về đất đai, nhà ở xã hội đã giảm xuống dưới 10 triệu đồng/m2. Thế nhưng trước đó, loại BĐS này đã từng được bán với giá trên dưới 15 triệu đồng/m2.
Trong hội thảo "BĐS trước những cơ hội mới", một nghịch lý khác cũng được GS. Đặng Hùng Võ đề cập tới. Đó là ở khu vực nhà ở giá rẻ, nhiều dự án nhận sự ưu đãi của Nhà nước nhưng lại có giá bán cao hơn nhà ở thương mại. Khu vực nhà ở xã hội cần được thị trường hóa. Theo Luật Nhà ở mới được ban hành, nhà ở xã hội do nhà nước ưu đãi sẽ do Nhà nước chỉ định nhà đầu tư, chỉ định giá. Quy định này có thể khiến giá sẽ cao hơn.