Thời gian qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) của Chính phủ đã đem lại cơ hội có nhà ở ổn định cho nhiều người có thu nhập thấp. Tuy vậy, các hộ dân sinh sống tại một số khu nhà này đang phải chi trả phí dịch vụ cao hơn nhiều so với nhà ở thương mại, gây bức xúc không nhỏ cho người dân khi phí dịch vụ chưa tương xứng với tiện ích, hạ tầng tại tòa nhà...
Tại một số khu nhà ở xã hội tại Hà Nội, mức thu phí dịch vụ cao hơn cả nhà ở thương
mại. (Ảnh minh họa).
Người dân sống tại tòa nhà Rice City - Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh, phí dịch vụ mà các hộ dân phải trả được tính là 3.500 đ/m2; đơn giá tiền điện là 2.914 đ/số (tính theo giá kinh doanh), tiền nước 14.500/m3; giá tiền gửi xe hàng tháng đối với ôtô là 800 nghìn đ/xe/tháng, xe máy là 100 nghìn đ/xe/tháng.
Theo đó, nếu làm phép tính với một căn hộ NƠXH có diện tích 53m2 với phí dịch vụ 3.500 đ/m2/tháng tương đương gần 200 nghìn đồng, chi phí gửi 2 xe máy là 200 nghìn đồng, tiền điện, nước tính theo giá kinh doanh thì một gia đình có 3 người (vợ chồng và một đứa con) sẽ phải trả tổng chi phí cho một tháng trên 1 triệu đ/tháng. Giá điện, nước tính theo hộ kinh doanh nếu dùng nhiều mới rẻ, dùng cho hộ gia đình đơn thuần thì sẽ thành đắt.
Vừa qua, cư dân sống tại khu nhà ở xã hội An Bình (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tập trung phản đối và yêu cầu chủ đầu tư dự án giảm giá dịch vụ, giá gửi xe, giá điện nước, đồng thời hoàn thiện hạ tầng cũng như đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho cư dân.
Theo nhiều cư dân ở đây, tuy dự án là NƠXH dành cho người thu nhập thấp nhưng người dân phải chịu phí dịch vụ cao hơn cả chung cư cao cấp. Tiền điện nước thu rất cao (tiền điện tính 2.300 đ/số, tiền nước thu 12.700 đ/số), phí dịch vụ họ phải trả là 4.000 đ/m2 và gửi xe theo vé tháng 100 nghìn đồng/xe.
Phí dịch vụ tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm lại có mức phí 1.920 đ/m2; tiền nước là 6.869 đ/m3; đơn giá điện được tính là 1.484 đồng/số; tiền gửi ô tô là 800 nghìn đ/xe, gửi xe máy hàng tháng là 80 nghìn đ/xe.
So sánh các mức giá trên cho thấy sự chênh lệch không nhỏ về số tiền mà người dân phải trả. Nghịch lý là, NƠXH dành cho người có thu nhập thấp có giá dịch vụ cao hơn nhiều so với nhà ở thương mại dành cho người có thu nhập trung bình trở lên.
Mặt khác, nếu chỉ đề cập riêng chi phí gửi xe máy tại các khu chung cư thì quy định mới nhất chỉ không dưới 60 nghìn đ/xe/tháng. Nhà ở xã hội thu phí 80-100 nghìn đ/xe/tháng là sai quy định. Thậm chí, ở khu chung cư cao cấp Royal City, tiền gửi xe máy chỉ mất khoảng 40 nghìn đ/xe/tháng... Theo đại diện Cty TNHH An Lạc, đơn vị quản lý nhiều tòa chung cư trên địa bàn Hà Nội.
Tòa nhà CT1 Rice City Linh Đàm do Cty TNHH MSC Việt Nam quản lý. Khi nhận được thắc mắc về phí dịch vụ từ một số hộ dân, đại diện BQL đã lý giải rằng, khi nào tòa nhà có khoảng 50% người dân đến ở và cư dân có sổ tạm trú tại khu vực này thì điện, nước sẽ được hưởng theo giá Nhà nước, phí dịch vụ và tiền trông xe thì vẫn giữ nguyên. Thế nhưng, người dân vẫn băn khoăn về phí dịch vụ và tiền gửi xe bị tính quá cao khi chưa được ban quản lý tòa nhà giải thích thỏa đáng.
Một số chuyên gia cho rằng, giá dịch vụ tại nhà thương mại mà lại rẻ hơn tại NƠXH là có vấn đề vì những trường hợp mua NƠXH đều là các hộ khó khăn, mức thu nhập thấp. Tuy mỗi chung cư với loại hình dịch vụ và mức phí khác nhau nhưng trên hết đều phải được dựa trên cơ sở thực tế và thông qua ý kiến của người dân. Việc thu phí dịch vụ không hợp lý sẽ không tránh khỏi những bất đồng quan điểm và tranh chấp xảy ra.
Vấn đề không phải dừng lại ở chuyện đắt rẻ mà điều cần nhất bây giờ mà người dân tại nhiều khu chung cư mong muốn chính là mọi phí dịch vụ chung cư sẽ hợp lý, minh bạch...