Nguồn cung dự án BĐS khan hiếm do khó tạo lập quỹ đất sạch

  17/08/2017 - 08:02

Giới chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định như trên tại buổi hội thảo: "Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bất động sản cuối năm 2017" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 16/8 vừa qua.

Tham gia hội thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, ông Ngô Quang Phúc thông tin, từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng dự án đã giảm rất nhiều và nguồn cung tiếp tục khan hiếm từ nay đến cuối năm. Lý do chính là khó tạo lập quỹ đất. Các doanh nghiệp hiện có 3 cách tạo lập quỹ đất: Tự đi giải tỏa, đi mua lại quỹ đất sạch đã có dự án và hợp tác kinh doanh một bên có đất và một bên có tiền cùng làm dự án. Tuy nhiên, 3 giải pháp tạo quỹ đất này hiện vẫn rất khó khăn, đặc biệt là việc tự đi giải phóng mặt bằng. Mặt khác, đất cổ phần hóa, đất công cũng đang tắc bởi nhà nước đã tạm dừng. Như vậy, nguồn cung bất động sản sụt giảm là do việc tạo lập mới một dự án khá khó khăn, hơn nữa chi phí tăng cao nên trong thời gian tới, giá nhà đất sẽ khó giảm.

khó tạo lập quỹ đất sạch
Nguồn cung bất động sản thời gian tới khan hiếm bởi việc tạo lập quỹ đất sạch khó khăn.
(Ảnh: Đình Sơn)

Theo ông Đặng Văn Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Sài Gòn, việc đi đền bù hiện nay như đánh giặc vậy, rất khó khăn và phức tạp, phải mất nhiều năm mới có được quỹ đất sạch. Thế nhưng, khi đã có đất sạch cũng phải mất thêm nhiều năm nữa mới có thể xây dựng và bán được hàng. Chưa kể, hiện đất 09 (Quyết định số 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/1/2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước) cũng đã đứng lại, nhà nước tạm dừng do quá trình cổ phần hóa tiêu cực. Vị này cho rằng, cần phải nhanh chóng đưa đất vào khai thác, đóng góp cho xã hội chứ không thể cứ chững lại như mấy tháng qua.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thừa nhận, khan hiếm nguồn nguyên liệu để tạo một dự án bất động sản là có. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khó khăn là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Thực tế cho thấy, trong số hơn 500 dự án "đắp chiếu”, phần lớn là vướng đền dù và sẽ vô phương đền bù trong thời gian tới. Do đó, phí nguyên liệu đền bù càng về sau càng tăng giá, cộng với tiền san lấp mặt bằng, tiền sử dụng đất đắt đỏ do giá cát tăng... Điều này khiến chi phí từ lúc bù đến khi ra đất thương phẩm đội lên rất nhiều. Điều đáng nói là, tất cả đều phân bổ vào giá bán và người gánh chịu cuối cùng chính là khách hàng.

Theo các doanh nghiệp, nguồn đất quốc phòng, đất công đang tạm dừng chuyển đổi sang đất ở. Cùng với đó, quỹ đất sạch "tồn kho" từ thời thị trường bất động sản "đóng băng" nay đã dùng gần hết. Hiện tại, để giải phóng mặt bằng được một dự án phải mất mấy năm... Những nguyên nhân này khiến quỹ đất sạch xây dựng dự án ngày càng khan hiếm.

Trước thực trạng đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Vũ Văn Phấn cho biết, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 01 sửa các điều liên quan đến đất đai có quy định trong trường hợp doanh nghiệp đền bù tới 80% phần còn lại không được thì chính quyền sẽ vào hỗ trợ. Thế nên, việc tạo lập quỹ đất của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong thời gian tới.

(Theo Thanh niên online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu