Những năm gần đây, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã dần cởi mở hơn, khiến sức hấp dẫn của lĩnh vực BĐS đối với nhà đầu tư ngoại đang ngày càng gia tăng.
BĐS ven biển được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT: Tính đến ngày 20/8, cả nước có 1.918 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,48 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,58 tỷ USD, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ 2017.
Cũng đến thời điểm 20/8, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Như thường lệ, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút vốn FDI với 10,72 tỷ USD, chiếm 44% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong đó, các dự án BĐS được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ dồn vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, mà còn tập trung khá mạnh vào dự án phát triển nhà ở và hạ tầng đô thị tại Việt Nam, khi các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng của một quốc gia đang trên đà phát triển với tầng lớp dân số trẻ và thu nhập đang tăng lên.
Dòng vốn ngoại đang được các DN có truyền thống đầu tư vào thị trường Việt Nam như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Gamuda Land..., hay một số nhà đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức liên kết với DN nội như Quỹ Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes, Daiwa House Group, Sumitomo... Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo ba phương thức là trực tiếp triển khai dự án, góp vốn, mua cổ phần DN và cho vay vốn đầu tư. Thông thường, các dự án mang yếu tố ngoại có giá bán cao hơn các dự án cùng phân khúc do DN trong nước phát triển, giá dịch vụ sau khi hình thành cộng đồng dân cư cũng cao hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với nền tảng hạ tầng xã hội hoàn thiện, trong những năm gần đây, BĐS Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đa chiều, tiếp nhận nhiều loại hình sản phẩm mới bắt nhịp cùng thế giới. Đây là yếu tố tất yếu từng bước thay đổi hệ thống hạ tầng cơ sở, bắt kịp với nhịp độ tăng trưởng quốc gia.
Theo ông Trần Đạo Đức - Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO, nhìn trên tổng quan, Việt Nam là quốc gia vô cùng hấp dẫn cho đầu tư BĐS nhờ chính trị ổn định, an toàn, tăng trưởng kinh tế bền vững, du lịch phát triển mạnh, dân số trẻ với nhu cầu sở hữu tài sản BĐS cao...
Chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam thu hút gần 13 triệu lượt khách quốc tế và dự kiến mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch được kỳ vọng đạt 30 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Còn giới đầu tư BĐS chuyên nghiệp tại Tp.HCM thì nhận định, việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình BĐS như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và là một hình thức "xuất khẩu" BĐS tại chỗ hiệu quả.
Có thể nói, đến nay, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng thể hiện sự quan tâm đối với loại hình văn phòng khi một DN của nước này đã công bố mua 24% cổ phần cao ốc Sun Wah Tower ngay trung tâm Q.1, Tp.HCM. Hay như đầu năm nay, Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) cũng đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 100 triệu USD vào một dự án du lịch tại Đà Nẵng.
Trước đó, thị trường BĐS Việt Nam cũng ghi nhận dấu ấn của nhà đầu tư Nhật Bản sau những cú bắt tay với nhiều đại gia địa ốc trong nước để phát triển nhiều dự án khu dân cư, khách sạn, nghỉ dưỡng tại Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam, như Nam Long, Phúc Khang, BRG, Hòa Bình... Không chỉ có thế, các nhà đầu tư Nhật còn quan tâm nhiều đến việc mua các BĐS đã hoàn thành tại trung tâm TP. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư cũng thay đổi "khẩu vị", không chỉ tập trung vào thị trường Hà Nội mà chuyển sang Hải Phòng, Bắc Ninh. BĐS họ hướng tới vẫn là các phân khúc như căn hộ để bán, căn hộ dịch vụ.
Cùng với Nhật Bản, thời gian qua các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore... cũng thể hiện sự quan tâm với BĐS Việt Nam.