Trưởng Nhóm công tác đất đai tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ông David Lim cho rằng, tuy thị trường bất động sản đã được mở cửa thông thoáng hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn còn đó những quy định thể hiện sự phân biệt đối xử.
Theo ông Lim, Điều 11 của Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) quy định, nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức tách đất thành các lô đất để bán, nhưng nhà đầu tư BĐS trong nước lại được phép thực hiện như vậy.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép thu tối đa 50% giá trị hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua BĐS được hình thành trong tương lai, thế nhưng tỷ lệ áp dụng dành cho nhà đầu tư BĐS Việt Nam là 70%. Ông Lim nhận định: “Chính sách thiếu nhất quán này tạo nên sự thiếu hiệu quả trong lĩnh vực BĐS, đồng thời làm giảm tính cạnh tranh của ngành nói chung”. Vậy nên, cần phải xóa bỏ mọi sự khác biệt trong chính sách áp dụng cho nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam nhằm bảo đảm sân chơi công bằng và lành mạnh cho mọi nhà đầu tư trong lĩnh vực địa ốc tại Việt Nam, ông Lim nói.
Hiện thị trường BĐS Việt Nam đã mở cửa thông thoáng hơn đối với nhà đầu
tư nước ngoài.
Mặt khác, hạn chế về tỷ lệ thu giá trị hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai khiến việc huy động vốn cho một dự án BĐS của nhà đầu tư ngoại trở nên khó khăn hơn so với nhà đầu tư trong nước. Theo ông Lim: “Việc bổ sung thêm các quy định hạn chế và nghĩa vụ góp vốn nặng nề và việc chậm ban hành quy định hướng dẫn cần thiết cho các nội dung trong các dự thảo nghị định phần nào tạo nên ấn tượng rằng, khi đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài hẳn sẽ gặp rất nhiều khó khăn".
Thứ nữa, giới đầu tư ngoại lo ngại rằng, thị trường BĐS có thể chưa thực sự mở cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Luật Nhà ở quy định, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 250 nhà ở riêng lẻ, gồm nhà liền kề, biệt thự trong một đơn vị hành chính cấp phường. Vậy nhưng, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Nhà mới đây lại đưa ra thêm một quy định hạn chế nữa, tổ chức và cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của một dự án. Quy định này nếu được thông qua sẽ không thống nhất với Luật cũng như sẽ hạn chế thêm số lượng nhà được bán cho người nước ngoài.