Nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua nhà ở xã hội. |
Khó khăn về nhà ở là vấn đề thực và sẽ không được giải quyết chừng nào
mỗi gia đình chưa có một nhà ở phù hợp. Khi tỉ lệ số hộ gia đình chưa có
nhà ở là cao, thì đó là một vấn đề xã hội nhức nhối cần giải quyết. Để
biết vấn đề này lớn hay nhỏ phải đo lường tình trạng nhà ở. Thông tin từ
đợt tổng điều tra dân số có thể là quý giá nhìn từ khía cạnh này. Không
rõ khi hoạch định chính sách nhà ở người ta có để ý đến những thông tin
như thế và hiệu chỉnh chính sách cho phù hợp hay không?
Khi cơn sốt bất động sản lên cao, doanh nghiệp nào cũng muốn lao vào,
chính quyền cũng chẳng mấy khi nói đến nhà ở xã hội. Rồi khi bong bóng
nhà đất xì hơi, hàng hóa bất động sản ứ đọng, thì người ta bỗng nói rất
nhiều về nhà ở xã hội. Và thực sự nhà ở xã hội được nhắc đến nhiều chỉ
từ khi có gói 30.000 tỉ tín dụng ưu đãi do Bộ Xây dựng đề xuất cùng Ngân
hàng Nhà nước. Bất chấp mục đích của gói tài trợ có thể là đúng và cao
cả, nhưng việc định thời gian khởi động gói này vào lúc cần cứu kinh
doanh bất động sản khiến người dân nghi ngờ mục đích của nó là để cứu
ngành bất động sản chứ không phải hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Việc giải ngân gói này (chưa được 5% sau hơn một năm khởi xướng và 10
tháng thực hiện) cũng như việc báo chí kêu ca chuyện giá nhà ở xã hội và
nhà ở thương mại trên cùng một địa bàn chẳng khác gì nhau càng củng cố
sự nghi ngờ nêu trên.
Để giải quyết vấn đề giá ông Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
(một cựu Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho rằng phải đưa ra giá trần cho nhà ở
xã hội, vì “theo quy định, khi lựa chọn phân khúc nhà ở xã hội, chủ đầu
tư đã bị khống chế mức lãi định mức là 10%”. Còn Bộ Xây dựng thì nhất
quyết phản đối giá trần và một thứ trưởng còn đảm bảo “quyền lựa chọn”
của người dân bằng cách nói rằng “nếu giá nhà ở xã hội quá cao thì người
dân không mua nữa, có thể lựa chọn mua nhà ở thương mại”.
Vấn đề là có thật, cách giải quyết có lẽ trật lất, nên tình trạng mới
nhức nhối như vậy. Trật ở những chỗ nào? Chỉ bàn sơ hai điểm.
Thứ nhất, chính sách xã hội do Nhà nước đưa ra. Nhà nước có thể không
trực tiếp thực hiện nhưng nhất thiết phải giám sát việc thực hiện. Việc
hỗ trợ người mua thông qua các nhà phát triển bất động sản là cái trật
thứ nhất. Lẽ ra phải hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn và
không ưu ái cho nhà kinh doanh bất động sản.
Thứ hai, các nhà kinh doanh bất động sản chẳng có khuyến khích gì để
giải quyết vấn đề xã hội, họ chạy theo lợi nhuận. Ưu đãi thì họ hăm hở
nhận, nhưng thực hiện chính sách xã hội thì chưa chắc. Đấy là chuyện
thường tình mà nhà hoạch định chính sách phải biết. Thế mà vẫn quy định
10% lợi nhuận cho họ! Đối với bất kỳ ai có chút hiểu biết thì quy định
này là vớ vẩn, hoàn toàn bất khả thi và nhà kinh doanh rất dễ biến báo,
còn Nhà nước chẳng sao kiểm soát nổi. Không nhẽ những người soạn thảo
chính sách không biết, không muốn biết, hay tư duy bao cấp của họ còn
quá đậm dẫu họ có thể còn trẻ?
Nói tóm lại, vấn đề chính vẫn là Nhà nước hãy làm việc của Nhà nước,
đừng làm việc của người khác mà mình không biết làm. Hay họ biết cả,
nhưng thông đồng với nhau?
Theo Lao động