Thời kỳ bất động sản đóng băng, tại Tp.HCM có đến 25 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội (NOXH), song sau gần 2 năm, đến nay các dự án NOXH được thực hiện trên địa bàn TP chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khoảng năm 2013, thị trường địa ốc rơi và đỉnh của suy thoái, rất nhiều dự án nhà ở thương mại bị đắp chiếu và nếu không thực hiện sẽ đứng trước nguy cơ bị thu hồi. Lúc bấy giờ, Chính phủ lại có chính sách khuyến khích phát triển các dự án NOXH để tạo chỗ ở cho người có thu nhập thấp với nhiều chính sách hỗ trợ cả về tiền sử dụng đất, thuế...
Thế nên, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã ồ ạt xin chuyển đổi công năng dự án từ nhà ở thương mại sang NOXH. Lúc này, cả nước có hơn 60 dự án xin chuyển đổi, chủ yếu tập trung ở 2 TP lớn là Tp.HCM và Hà Nội. Thủ đô Hà Nội có 24 dự án đăng ký chuyển đổi (trên 15.400 căn hộ), trong khi Tp.HCM có 25 dự án (hơn 15.100 căn hộ).
Do vướng mắc về thủ tục, đặc biệt là đối với các dự án đã thu tiền góp vốn của khách hàng nên có rất ít dự án được chấp thuận chuyển đổi. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi dự án của các chủ đầu tư lúc đó chỉ là giải pháp tình thế để tìm cách kéo dài thời gian, tránh việc dự án bị thu hồi. Tính đến nay, có rất ít dự án NOXH xin chuyển đổi được triển khai trên thực tế.
Các dự án NOXH hiện đã và đang được triển khai có thể kể đến dự án NOXH tại xã An Phú Tây (Bình Chánh) của Công ty Hoàng Quân. Hiện tại, dự án này đang trong giai đoạn hoàn thiện 4 block chung cư 23 tầng, cung ứng 1.750 căn hộ, với diện tích từ 36-90m2/căn. Căn hộ tại dự án này có giá bán 14,5 triệu đồng/m2 và dự kiến bàn giao cho khách hàng vào cuối năm 2015.
Tại Tp.HCM, các dự án NOXH đã và đang triển khai trên địa bàn TP chỉ đếm
trên đầu ngón tay.
Thông tin từ chủ đầu tư cho biết, đã có 1.400 người đăng ký mua nhà, 1.000 khách hàng trong đó đã được vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng từ Chính phủ. Bên cạnh đó, hiện Hoàng Quân cũng đang xây dựng một số dự án NOXH khác trên địa bàn TP.
Cùng với dự án của Hoàng Quân còn có dự án NOXH tại phường Thảo Điền (quận 2) của Công ty Thủ Thiêm. Diện tích khuôn viên của dự án này xấp xỉ 4.000m2, thiết kế gồm 2 block chung cư 20 tầng, nay đã xây xong tầng 19, cung cấp 304 căn hộ có diện tích từ 40-60m2/căn, về cơ bản sản phẩm đã bán hết...
Thực tế cho thấy, đây chỉ là những dự án NOXH hiếm hoi đã và đang được triển khai trên địa bàn Tp.HCM, quá nhỏ so với con số 25 dự án xin chuyển đổi cách đây hơn 2 năm. Thời gian qua, thị trường bất động sản dần khởi sắc với giao dịch và thanh khoản đều đang tăng mạnh thì việc dự án NOXH đang bị teo tóp là điều khó tránh.
Bàn về vấn đề này, nhiều chủ đầu tư chia sẻ, khi thị trường đóng băng, việc xin chuyển đổi là để xử lý hàng tồn kho, cắt lỗ, giảm lỗ và nợ xấu. Giờ thị trường đã phục hồi rõ rệt, nên không dại gì làm NOXH. Nguyên nhân là, đầu tư dự án NOXH có quá nhiều thủ tục, cần phải qua nhiều cơ quan thẩm định, trong khi đối tượng khách hàng bị hạn chế với nhiều điều kiện ràng buộc, lợi nhuận thấp nên không mấy hấp dẫn các chủ đầu tư.
Tổng giám đốc Công ty Lê Thành ông Lê Hữu Nghĩa cho biết: “Công ty phát triển dòng sản phẩm giá rẻ cho người thu nhập thấp và trung bình, hiện thu hút rất nhiều khách hàng. Trong trường hợp NOXH thuận lợi thì Công ty sẽ triển khai, tuy nhiên tình hình như hiện nay thì chưa thể nói trước điều gì”.
Còn Phó Tổng giám đốc Công ty Đất Lành ông Nguyễn Văn Đực bày tỏ, không nhất thiết phải cho doanh nghiệp vay mà chỉ cần cho khách hàng vay là doanh nghiệp bán được hàng và đảm bảo được vấn đề tài chính. Minh chứng là, dự án đất nền Richhome 2 do Công ty Kim Oanh triển khai tại Bình Dương với việc khách hàng mua sản phẩm dự án này được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhờ đó toàn bộ sản phẩm đã được bán hết chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM ông Lê Hoàng Châu, nếu không có sự thay đổi về cơ chế và cách tính tiền sử dụng đất cũng như kéo dài thời hạn vay gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì chương trình phát triển NOXH khó thực hiện theo mục tiêu đề ra.