Muốn bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng tại những thị trường tiềm năng thì cần có sự phát triển về cơ sở hạ tầng kết nối.
Đó là nhận định của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam được chia sẻ tại một diễn đàn về bất động sản du lịch biển tổ chức mới đây tại Hà Nội. Theo đó, hai yếu tố quan trọng mà Việt Nam đang có lợi thế, đó là sự phát triển cơ sở hạ tầng và khách du lịch tăng trưởng cao tác động đến thị trường BĐS du lịch.
Vừa qua, thị trường BĐS du lịch tiềm năng như Vân Đồn, Quảng Nam, Nam Hội An, Quảng Ngãi đã ghi nhận nhiều cơ hội để bứt phá với sự phát triển hạ tầng kết nối như dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng trị giá 13.000 tỷ đồng đã được thông xe, đưa vào khai thác; dự án Đà nẵng - Quảng Ngãi trị giá 1,5 tỷ USD cũng đi vào hoạt động...
Cơ sở hạ tầng kết nối phát triển tạo cơ hội bứt phá cho bất động du lịch Việt Nam
Bên cạnh đó, theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc của Bộ GTVT, đến năm 2030, Việt Nam có 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km, tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ưu tiên tuyến đường cao tốc nối các thành phố lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), tuyến ra cảng biển lớn.
Vì thế, chắc chắn sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối tại các địa điểm du lịch mới nổi giàu tiềm năng sẽ là "cú hích" cho sự tăng trưởng của thị trường BĐS du lịch biển trong vài năm tới.
Ghi nhận thực tế, từ năm 2015 đến nay, sự phát triển kinh tế theo hướng tích cực kết hợp định hướng ổn định hạ tầng du lịch ở các TP lớn đã khiến cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng không chỉ bùng nổ ở địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh, Quy Nhơn mà còn lan rộng ra nhiều thị trường mới nổi khác như Vân Đồn, Bình Thuận, Phan Thiết, Ninh Thuận...
Mặc dù thị trường BĐS nghỉ dưỡng chững lại, có dấu hiệu giảm sút sau giai đoạn bùng nổ, nhưng theo Bà Dương Thùy Dung thì cơ hội bứt phá của phân khúc này là rất lớn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2017, ngành du lịch Việt Nam luôn có sự tăng trưởng cao qua các năm. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 gây bất ngờ với gần 13 triệu lượt người.
Du lịch Việt Nam tăng trưởng qua các năm
7 tháng đầu năm 2018 thị trường Việt Nam đã ghi nhận 9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường có tỷ lệ tăng trưởng khá cao như Nha Trang (+66%), Phú Quốc (+58%), Đà Nẵng (+39%), Quảng Ninh (+22%).
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nhiều địa phương đang phát triển vượt bậc có thể kể đến như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ga quốc tế sân bay Đà Nẵng, ga quốc tế sân bay Cam Ranh hay sân bay quốc tế Vân Đồn và cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn.
Tuy nhiên, bà Dung cho biết, một số địa phương có thể phát triển du lịch biển nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đường biển chưa kết nối tốt, đường bộ mất khá nhiều thời gian, vậy hạ tầng đường hàng không sẽ là yếu tố quyết định đến tiềm năng của địa phương đó.
Ngoài Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đã phát triển thì những thị trường BĐS tiềm năng như Vân Đồn, Quy Nhơn, Phan Thiết hay Phú Yên sắp tới sẽ được hưởng lợi lớn do có chính sách xây dựng mới hay mở rộng sân bay quốc tế.
Theo đó, CBRE Việt Nam chỉ ra 8 địa phương có nhiều tiềm năng bứt phá về thị trường BĐS nghỉ dưỡng gồm Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Bình và Hải Phòng bởi những thị trường này còn dư địa lớn để tăng trưởng. Có đường bờ biển dài nhưng lượng phòng 4-5 sao lại khá ít. Tính đến tháng 6/2018, 4 địa phương này hiện mới chỉ có tổng số 4.558 phòng khách sạn, so với tổng số 24.312 phòng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Quảng Ninh.