Tại Hội thảo về nhà ở do JICA và Ngân hàng Nhật Bản BTMU tổ chức, các đại biểu cho rằng, đối với người trên 30 tuổi, nhu cầu về nhà ở hiện đang rất lớn.
Vừa qua, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp tổ chức hội thảo 'Nhà ở tại Việt Nam', mục đích là chia sẻ ý kiến của của các chuyên gia trong và ngoài nước về tình hình nhà ở hiện nay cũng như sự phát triển nhà ở tại Việt Nam trong tương lai.
Tất cả các đại biểu tham gia hội thảo này đều có chung quan điểm, làm sao để trước áp lực tăng quy mô đô thị nhưng vẫn tạo được chất lượng 'đáng sống', tuy không gian đô thị ngày càng chật hẹp song không gian đó tiện ích nhất và thân thiện nhất với môi trường.
Viện trưởng Viện Kinh tế - Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục vững chắc. Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng qua việc ký kết và đàm phán thành công nhiều hiệp định cấp cao trong thời gian qua.
Tại Việt Nam, nhu cầu nhà ở đang gia tăng, nhất là tại các khu đô thị.
Ảnh minh họa, nguồn: Hà Nội mới Online).
Tiến sĩ Thiên cho hay, cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm và đánh giá tốt về triển vọng phát triển của Việt Nam. Đối với Việt Nam, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức. Đồng thời, điều này cũng sẽ tạo ra áp lực lớn đối với vấn đề đô thị cả về quy mô và chất lượng.
Trên thực tế, bùng nổ đô thị đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây không chỉ ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Khu vực phía Bắc, xu hướng này đã lan tới các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên; còn ở phía Nam có các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu....
Vấn đề đặt ra là, làm sao để bùng nổ đô thị không trở thành dịp để đầu cơ, ông Thiên nhấn mạnh. Theo TS Thiên, để tránh tình trạng đó, Việt Nam cần có bài toán về nhà ở, tái cơ cấu, về bất động sản... phải có biện pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn.
Theo kết quả khảo sát của một số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đối với dân số ở độ tuổi trên 30, nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Hơn nữa, đây cũng là một trong những đối tượng có mức thu nhập trung bình chiếm cao.
Cần có sự tham gia, phối hợp của các bên Chính phủ, ngân hàng, tư vấn viên, công ty phát triển đô thị, công ty kiến trúc, xây dựng, các nhà đầu tư, những người có liên quan... để giải quyết được nhu cầu nhà ở đối với đối tượng nói trên.
Đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam - Hidenori Hashimoto bày tỏ, Nhật Bản mong muốn đầu tư vào nhà ở xã hội cho người trẻ ở độ tuổi 30 bằng hình thức hỗ trợ vốn vay ODA.
Theo đó, phía Nhật Bản và các ngân hàng cho vay sẽ hỗ trợ những cá nhân có nguồn thu nhập để đảm bảo cho việc trả nợ từ 5-15 năm theo hợp đồng mua nhà cộng với điều kiện Chính phủ Việt Nam có khoản vốn dự phòng nhằm đảm bảo cho các cá nhân được vay vốn. Đối với việc giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở của người trẻ Việt Nam hiện nay cũng như trong nhiều năm tiếp theo thì đây được xem là sáng kiến mới, hiệu quả.