Hong Kong tiếp tục giữ kỷ lục là thành phố có giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới, đây cũng là nơi có nguy cơ xảy ra 'bong bóng' bất động sản (BĐS) cao nhất toàn cầu bởi hiện nay giá nhà đất cao gấp 19 lần so với thu nhập của người dân.
Theo thông tin từ trang Bloomberg, mới đây, Công ty nghiên cứu Demographia đã tiến hành khảo sát toàn cầu hàng năm về giá nhà đất sử dụng dữ liệu từ quý III/2015. Khảo sát cho thấy, Hong Kong tiếp tục là thành phố có giá nhà đất đắt nhất thế giới trong số 87 thành phố lớn trên thế giới. Đây là năm thứ 11 Hong Kong giữ vững vị trí này.
Thành phố Hong Kong là nơi có giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới.
Theo đó, giá trung bình của một căn nhà ở Hong Kong hiện cao gấp 19 lần so với thu nhập trước thuế bình quân của một hộ gia đình ở đây. Có thể nói, đây là sự chênh lệch lớn nhất mà Demographia đã từng ghi nhận. Mức độ chênh lệch này là 17 lần trong báo cáo năm trước đó.
Nhằm giảm nhiệt thị trường BĐS, thị trưởng TP Hong Kong - Lương Chấn Anh đã áp dụng hàng loạt biện pháp để điều tiết thị trường từ năm 2012 khi giá nhà tăng cao đã dẫn đến những lo ngại về khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
Gần đây, mặc dù giá cả đã bắt đầu giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, song giá nhà đất và mức thu nhập ở đây vẫn còn một khoảng cách đáng kể. Theo khảo sát của Demographia, bất kỳ khu vực nào có giá trung bình của một căn nhà cao hơn 5,1 lần so với thu nhập trước thuế bình quân của một hộ gia đình đều thuộc nhóm 'cực kỳ đắt đỏ'.
Sydney là thành phố có giá nhà đắt thứ hai trên thế giới.
Khảo sát của Demographia cho hay, TP Syney (Australia) là nơi có giá nhà đất đắt đỏ thứ 2 trên thế giới với sự chênh lệch về giá trung bình một căn hộ so với thu nhập trước thuế bình quân của một hộ gia đình lên mức 12,2 lần đã tăng so với mức 9,8 lần trong năm 2014, đây cũng là mức tăng theo năm lớn nhất mà Demographia từng ghi nhận.
Giá nhà đất đắt thứ 3 trên thế giới thuộc về thành phố Vancouver, Canada.
Giữ vị trí thứ 3 về giá nhà đắt đỏ nhất thế giới là TP Vancouver (Canada), với độ chênh lệch 10,8. Theo sau là thành San Jose thuộc bang California (Mỹ), Melbourne (Úc) và Auckland (New Zealand) cùng có độ chênh lệch 9,7. Trong khi đó, TP Bournemouth, Dorsett (Anh) và Santa Cruz (Mỹ) cùng có độ chênh lệch là 9,6. Còn San Francisco (Mỹ) có độ chênh lệch là 9,4 và Tweed Heads (Úc) có độ chênh lệch là 9,3.
Cũng theo kết quả khảo sát, những nơi có giá nhà đất rẻ nhất thế giới nằm ở nước Mỹ, với các thành phố như Buffalo và Rochester ở bang New York, Cincinnati và Cleveland ở bang Ohio, Pittsburgh ở bang Pennsylvania.
Một báo cáo khác của UBS Group AG công bố hồi tháng 10/2015 cho biết, Hong Kong và London là 2 thành phố có nguy cơ đối mặt với 'bong bóng' BĐS cao nhất.
Theo chỉ số BĐS của Cơ quan nghiên cứu hàng đầu ở Hong Kong, Centaline Property Centa-City Leading Index, kể từ năm 2003, giá nhà đất ở Hong Kong đã tăng 370% lên mức đỉnh điểm vào tháng 9/2015, từ đó đến nay giá cả đã giảm 8%. Còn chuyên gia phân tích của Công ty Bocom International Holdings, Alfred Lau nhận định, giá nhà đất ở Hong Kong có thể giảm 30% trong năm 2016.