Hiện tại, các ngân hàng đang rốt ráo xử lý tài sản thu hồi và bán đấu giá tài sản nợ. Do đó, trong thời gian tới, dự báo thị trường mua bán nợ sẽ sôi động hơn.
Thu giữ tài sản gia tăng
Ngày 6/9 vừa qua, Ngân hàng (NH) TMCP Kỹ thương VN (Techcombank) công bố danh sách thu giữ tài sản của 6 khách hàng trên địa bàn Hà Nội để xử lý thu hồi nợ theo thỏa thuận tại hợp đồng đã ký kết, trong đó chủ yếu là căn hộ. Khoảng 10 ngày trước đó, NH này đã thu giữ 5 xe ô tô của các khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, 10 bất động sản của khách hàng không trả được nợ. Hiện danh sách thu giữ tài sản của Techcombank xuất hiện với tần suất ngày càng tăng.
Theo thông tin từ Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thuộc NH Agribank, đơn vị này sẽ bán đấu giá cao ốc V - Ikon (Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, Tp.HCM) của Công ty Việt Thuận Thành để thu hồi nợ. Mức giá khởi điểm xấp xỉ 320 tỷ đồng. Hiện tài sản này đang được thế chấp tại Agribank chi nhánh Sài Gòn. Theo quy định, đơn vị tham gia đấu giá sẽ đặt tiền cọc trước 15% so với giá khởi điểm, tức 47,9 tỷ đồng. Vào tháng 5/2017, Agribank AMC cũng đã đưa tài sản này ra đấu giá với giá khởi điểm là 373,5 tỷ đồng nhưng không thành.
Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) trước đó đã thu giữ tài sản của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, Tp.HCM. Thị trường địa ốc rúng động trước động thái này bởi đây là dự án sở hữu vị trí "kim cương" tại Tp.HCM nhưng đắp chiếu cả thập kỷ khiến hàng trăm khách hàng chôn vốn tiền tỷ. Tại thời điểm xử lý, tổng dư nợ (gốc và lãi) lên hơn 7.000 tỷ đồng. Đã nhiều lần VAMC có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu nhóm khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng khách hàng không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi. Do vậy, để thu hồi nợ, VAMC cũng sẽ thực hiện bán đấu giá dự án này.
Để thu hồi nợ, các bất động sản cầm cố được đưa ra bán đấu giá ồ ạt.
Thực tế cho thấy, tình hình xử lý nợ xấu tại các NH sôi động hơn sau khi Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8. Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), ông Võ Tấn Hoàng Văn kỳ vọng nhiều khoản nợ khách hàng chây ì trả sẽ sớm được xử lý. Nhà băng này đã đăng ký bán 4 - 5 tài sản xử lý nợ là bất động sản cho VAMC với trị giá vài chục tỷ đồng mỗi sản phẩm. Trước đây, các khoản nợ này đã qua tòa án xử lý mấy năm nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ. Ông Văn cho hay, một công ty A vay 2 khoản với số tiền 46 tỷ đồng, quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở quận 5, Tp.HCM là tài sản thế chấp. Do khách hàng không trả nợ, NH nộp đơn khởi kiện lên TAND quận 10 vào năm 2013. Thế nhưng, Công ty A không cử người đại diện tham gia triệu tập và hòa giải theo thông báo của tòa án. Thậm chí, Công ty A còn cho khách hàng thuê tài sản thế chấp NH. Vì vậy, thời gian xử lý bị kéo dài do phải mời những khách hàng thuê này đến dự tòa. Hiện vụ việc vẫn không có tiến triển. Để thu hồi nợ theo nghị quyết mới, SCB sẽ phối hợp VAMC thu giữ tài sản thế chấp (quyền kinh doanh khai thác tài sản).
Giá bán phải hấp dẫn
Theo nghị quyết mới, các tổ chức tín dụng bán theo giá thị trường (có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc). Nhờ đó, các NH có thể sẽ đẩy nhanh được tốc độ thu hồi nợ xấu đã tồn đọng lưu cữu trong hệ thống. Ông Văn cho rằng, mức giá đưa ra dựa trên giá thẩm định của công ty thẩm định giá độc lập và theo giá thị trường. Nếu giá tài sản cao hơn giá thị trường, không có người mua thì đợt đấu giá lần 2 có thể giảm tối đa 10% so với lần thứ nhất nhằm hấp dẫn người mua tham gia.
Được biết, việc mua nợ xấu trước đây chỉ những công ty mua bán nợ mới được phép tham gia, nhưng nay Nghị quyết 42 mở ra cho các cá nhân, tổ chức được tham gia mua bán nợ. Dự kiến, với 70% nợ xấu được thế chấp bằng bất động sản, thời gian tới sẽ có hàng loạt dự án sẽ được các NH thu hồi và bán đấu giá ra thị trường để thu hồi vốn.