Theo thống kê từ Hiệp hội Thép, tiêu thụ thép xây dựng năm 2013 giảm
9,43% so với 2012, đạt gần 5 triệu tấn (năm 2012 tiêu thụ 5,4 triệu
tấn). Hoạt động xuất nhập khẩu trong năm qua Việt Nam đã nhập hơn 10
triệu tấn sắt thép các loại với giá trị khoảng 7 tỷ USD, trong khi xuất
khẩu chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD. Như vậy, ngành thép trong nước đã nhập
siêu khoảng 5 tỷ USD thép trong năm 2013.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ sụt giảm nhưng trong năm 2013 đã có khoảng thêm 5
nhà máy thép đi vào hoạt động, nâng tổng công suất cả ngành thép lên 11
triệu tấn/năm. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp thép đã giảm công suất
xuống 50% để hạn chế hàng tồn kho.
Trong tháng 1-2014, tình hình tiêu thụ thép còn yếu nên sản lượng sản
xuất chỉ ở mức 320.000 tấn (giảm 29,1% so với tháng trước và giảm 5% so
với cùng kỳ năm trước). Tháng 2 vẫn chưa có tín hiệu cải thiện và dự
khiến tồn kho vẫn tiếp tục ở mức cao. Khó khăn càng gia tăng gấp bội đối
với các doanh nghiệp thép khi hàng rào thuế quan năm 2014 sẽ phải tháo
bớt trong khi hoạt động xuất khẩu vẫn đối mặt với sức ép kiện phá giá
ngược lại từ các nước khác.
Hiện tại có khoảng 400 doanh nghiệp thép tham gia hoạt động sản xuất
thép nhưng mới chỉ có 27 doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, với tổng vốn
hóa khoảng 32.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn nhất tập trung tại HOSE
với 11 đơn vị trong đó 3 doanh nghiệp lớn là CTCP Tập đoàn Hòa Phát
(HPG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Pomina (POM), chiếm đến
85% tổng vốn hóa với khoảng 27.700 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCK Sacombank (SBS), trong 17 công ty đã công bố báo
cáo tài chính quý IV-2013, có 14 doanh nghiệp có lãi và 3 doanh nghiệp
thua lỗ. Dù số doanh nghiệp có lãi chiếm đa số nhưng thực tế lợi nhuận
của các doanh nghiệp này đều sụt giảm. Cụ thể, các công ty có vốn hóa
nhỏ và trung bình như: CTCP Thép Bắc Việt (BVG), CTCP Quốc tế Sơn Hà
(SHI), CTCP Kim khí TPHCM (HMC), CTCP Kim khí miền Trung (KMT) có lợi
nhuận sụt giảm trung bình từ 20-40%.
Đặc biệt trong nhóm thua lỗ có POM, doanh nghiệp có vốn hóa đứng thứ 3
trên sàn và có thị phần chiếm đến 15% cả nước, trong năm vừa qua dù
doanh thu đạt đến gần 10.000 tỷ đồng nhưng đã chịu mức lỗ đến 219 tỷ
đồng. Khoản lỗ của POM chủ yếu từ quý II do chi phí tài chính tăng và
khoản lỗ lớn từ chêch lệch tỷ giá.
Ở phía ngược lại, HPG tạo ấn tượng với doanh thu tăng 13% trong khi lợi
nhuận tăng gần 100%. HPG hiện là một trong số ít doanh nghiệp miền Bắc
cung cấp thép cho thị trường miền Nam mà vẫn cân đối được chi phí vận
chuyển, đảm bảo cạnh tranh.
Hoạt động sản xuất thép của HPG có nhiều ưu thế so với các đơn vị cùng
ngành với chi phí sản xuất thấp hơn từ 6-7%. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu
quặng sắt (chiếm khoảng 35% chi phí sản xuất thép) được HPG khai thác
ngay trong nước có trữ lượng sử dụng trên 20 năm và giá đầu vào thấp hơn
thị trường quốc tế từ 20-30%.
Vì vậy, sản phẩm thép của HPG có sức cạnh tranh về giá trong nước và cả
xuất khẩu. Dự báo, doanh thu của HPG trong năm 2014 có thể tăng khoảng
15% (tương đương 20.000 tỷ đồng) và lợi nhuận tăng khoảng 10% nhờ đóng
góp của mảng bất động sản. Được biết, dự án Mandarin Garden sẽ được HPG
hạch toán trong năm 2014 với lợi nhuận khoảng 400 tỷ đồng nếu tiến độ
bán thuận lợi và hoàn thành trong năm nay.
Theo Sài Gòn Đầu tư