Thành phố Hà Nội yêu cầu toàn bộ quỹ đất từ các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường đại học... di dời sẽ được ưu tiên làm công trình công cộng, đấu giá công khai, sử dụng một cách hiệu quả.
|
Các công trình công cộng tại Hà Nội được ưu tiên phát triển sau khu các cơ sở di dời khỏi nội thành |
Theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời cùng với việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục nghề nghiệp , cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Phạm vi áp tập trung trong khu vực nội thành Hà Nội, bao gồm các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.
Đối tượng di dời là các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, quá tải... đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, hoặc trong danh mục cần phải di dời ra ngoài nội thành.
Cụ thể, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, bãi đỗ xe, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Quỹ đất sau khi di dời được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời. Cùng với đó, quỹ đất còn lại phải được sử dụng hiệu, đúng mục đích, chức năng và các chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời tuân thủ Luật Thủ đô và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của thành phố Hà Nội.
Căn cứ vào từng vị trí địa điểm cụ thể phải xem xét đánh giá để sử dụng hiệu quả quỹ đất và công trình cho các chức năng đào tạo nghiên cứu khoa học, cùng với đó bố trí cơ sở hạ tầng và công cộng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Cần tuyệt đối thực hiện bảo tồn phục chế tôn tạo đối với những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong đó, ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng.