Tại sao cư dân vẫn quyết trụ lại trong các chung cư chờ sập?

  05/10/2015 - 02:28

Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Tp.HCM cho biết, trên địa bàn TP hiện còn đến 200 chung cư cũ, đa số đã được xây dựng cách đây trên 50 năm, rất cần được đập bỏ để xây mới.

Trong khi đó, theo số liệu của Sở Xây dựng TP, có hơn 530 chung cư lớn nhỏ các loại thuộc diện buộc phải cải tạo hoặc xây mới trên toàn Tp.HCM. Vài năm trước, để đảm bảo an toàn cho cư dân, Sở Xây dựng TP đã tiến hành khảo sát lập danh sách cảnh báo những chung cư cũ bị xuống cấp nghiêm trọng, chung cư có thể sập bất cứ lúc nào, tiến hành phân loại đưa người dân ra khỏi nơi ở nguy hiểm.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có vài chục lô chung cư cũ được giao cho doanh nghiệp BĐS lập dự án đập bỏ để xây mới. Song việc tiến hành đền bù và di dời các hộ dân ở chung cư cũ trên thực tế không hề dễ dàng, thậm chí có những dự án phải kéo dài đến 5-7 năm mới có thể hoàn thành việc giải tỏa. Cảnh người dân quyết ở lại để đòi hỏi quyền lợi thỏa đáng hoặc không biết đi đâu về đâu khi số tiền đền bù không đủ để mua lại nhà vẫn đã và đang tiếp tục diễn ra tại nhiều chung cư đang chờ sập. Việc GPMB vẫn bị ách tắc bởi quyền lợi của người dân. Do đó, tính mạng hàng ngàn hộ dân vẫn treo lơ lửng khi cứ phải sống trong lo lắng tại các chung cư kiểu này.

chung cư cũ xuống cấp
Hiện trạng một trong những chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Có gần 900 hộ dân sinh sống tại chung cư Cô Bắc - Cô Giang (quận 1, Tp.HCM). Theo kết quả kiểm định của Sở Xây dựng, chung cư này bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như tài sản của người dân bất cứ lúc nào. Hơn 8 năm về trước, TP đã cho phép đầu tư khu căn hộ và trung tâm thương mại tại đây với quy mô 1,4 ha, chiều cao 30 tầng gồm 1.092 căn hộ.

Gần 300 căn trong đó phục vụ cho tái định cư tại chỗ và tổng mức chi phí bồi thường được phê duyệt hơn 1.500 tỷ đồng. Tp.HCM còn có kế hoạch di dời khẩn cấp với chung cư này trong năm 2011. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cư dân ở chung cư cũng đã phải trải qua thời gian dài sống trong sợ hãi, lo lắng khi có tới vài trăm hộ còn ở lại vì không thể đồng ý với mức đền bù do chủ đầu tư đưa ra.

Mặc dù đã vận động và thương lượng trong nhiều năm nhưng cuối cùng cũng vẫn còn 36 hộ dân chưa di dời, họ vẫn biết rằng ở lại là nguy hiểm nhưng kiên quyết bám trụ. Nguyên nhân là do mức tiền bồi thường và các vấn đề liên quan đến việc bố trí nơi ở mới vẫn chưa thỏa đáng.

Tương tự, đối với dự án cải tạo chung cư 727 Trần Hưng Đạo. Chung cư này có quy mô gần 600 căn hộ, vì đã quá xuống cấp nên ngay từ năm 2008 đã được địa phương tiến hành đàm phán bồi thường cho các hộ dân. Thế nhưng, việc giải tỏa di dời vẫn chưa thể dứt điểm sau 7 năm.

Không ít hộ dân chưa chịu di dời, họ vẫn tiếp tục sống trong chung cư chờ sập này chỉ với lý do số tiền đến bù cho căn hộ diện tích 24m2 chẳng vượt qua nổi 200 triệu đồng, nếu dời đi biết lấy chỗ đâu để ở, tiền đâu ra để mua nhà mới. Tại các lô 4 và lô 6 ở khu chung cư đã lún nghiêng là Thanh Đa cũng chỉ với lý do chưa nhận được tiền đền bù nhà, hơn nữa thông tin bồi thường và giá nhà tại nơi ở mới còn mập mờ cũng đã đủ khiến 11 hộ dân tại đây bất chấp tính mạng, kiên quyết bám trụ, không chịu di dời trong khi tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng.

Cách đây gần 5 năm chủ đầu tư đã thỏa thuận đền bù nhưng đến nay nhiều hộ dân ở chung cư 350 Hoàng Văn Thụ vẫn bất chấp nguy hiểm, bám trụ lại trong tình trạng chờ sập. Nguyên nhân khiến gần 100 hộ tiếp tục ở lại sau đó là tiền đền bù đã ít, mặt khác nhiều hộ lại không thuộc diện tái định cư nên cứ nấn ná kiểu được ngày nào hay ngày ấy.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM ông Lê Hoàng Châu cho rằng, muốn giải quyết vấn đề di dời và tái định cư cho người dân ở chung cư cũ phải dựa trên nguyên tắc hài hòa và cân bằng được lợi ích giữa các bên liên quan. Cụ thể, để được người dân đồng thuận thì nơi ở mới - tức các khu chung cư xây mới phải được bổ sung nguyên tắc hoán đổi để căn hộ nơi ở mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn căn hộ chung cư cũ.

Nếu hộ gia đình có đông nhân khẩu cùng sinh sống hoặc số diện tích tối thiểu chưa đủ theo quy định cũng phải xem xét cho các hộ dân này được mua căn hộ chung cư mới xây với mức giá ưu đãi. Theo đó, giá chung cư mới đã được kiểm định cộng thêm 10% lợi nhuận cho chủ đầu tư. Theo ông Châu, không thể giữ nguyên hệ số sử dụng đất áp dụng cho các chung cư cũ mà nên tăng hệ số này lên gấp 3 lần mức cũ cũng như cho phép tăng quy mô dân số tương xứng.

Cùng với đó, cần bổ sung quy định nguyên tắc về quyền của tập thể chủ sở hữu các căn hộ chung cư được tự quyết định phá dỡ, tiến hành xây lại mới chung cư của mình nếu có đủ điều kiện về nguồn lực tài chính theo Luật Nhà ở hiện hành.

Bên cạnh đó, ông Châu đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc sau: Khi nhà chung cư đã bị hư hỏng nặng cần phải phá dỡ xây mới thì các cá nhân, hộ gia đình đang cư ngụ tại chung cư phải có nghĩa vụ chấp hành việc di dời hoặc quyết định cưỡng chế di dời của cơ quan có thẩm quyền.

(Theo Công an Nhân dân Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu