Bất động sản nghỉ dưỡng lọt “tầm ngắm”
Dự án bất động sản mà FLC Group khởi công ngày 4/5 vừa qua là sân golf
18 lỗ trên diện tích 92,49 ha tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, tỉnh
Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Trước đó, dù có
nhiều động thái như mua lại Khu đô thị Alaska City (đổi tên thành FLC
City), thu hút vốn đầu tư từ quỹ đầu tư nước ngoài, nhưng phải đến khi
FLC khởi công dự án mới FLC Samson Golf Links, người ta mới tin quyết
tâm trở lại với các dự án bất động sản của FLC là sự thật.
Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng khác cũng sẽ được Công ty cổ phần Tập
đoàn CEO khởi công xây dựng trong tháng 5/2014 là Tổ hợp khu nghỉ dưỡng
Sonasea Villas & Resort tại Phú Quốc, với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ
đồng. Đây là khu nghỉ dưỡng với các chức năng du lịch sinh thái, nghỉ
dưỡng, vui chơi giải trí, khách sạn… nằm gần Sân bay quốc tế Dương Tơ,
Phú Quốc. Quy mô khu nghỉ dưỡng là 406 phòng, tiến độ hoàn thành dự kiến
vào tháng 12/2015.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xu hướng tăng trở lại
của dòng vốn đầu tư vào bất động sản, đặc biệt là bất động sản du lịch,
nghỉ dưỡng thể hiện khá rõ ràng. Năm 2013, cả nước không có thêm bất kỳ
dự án bất động sản mới nào, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều dự án
bất động sản triệu đô đã được khởi động trở lại.
Đó là Dự án Khu phức hợp du lịch và nghỉ dưỡng tại Vũng Rô, với tổng vốn
đầu tư 2,5 tỷ USD do Tập đoàn Rose Tock và Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô
(Phú Yên) làm chủ đầu tư; Dự án Alma resort (trước đây là Khu du lịch
Bãi Rồng) vốn đầu tư 300 triệu USD do Igal Ahouvi làm chủ đầu tư; Dự án
Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers resort 88 triệu USD do State Development
- Moscow (Khánh Hoà) làm chủ đầu tư; Dự án “Khu phức hợp thông minh”
tại khu lõi trung tâm thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM),
với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD do Lotte liên danh cùng một số nhà đầu
tư Nhật Bản làm chủ đầu tư...
Tái khởi động dự án cũ
Xu hướng đầu tư trở lại các dự án bất động sản cũng được các doanh
nghiệp khác như Vinaconex, Sudico… đẩy mạnh từ quý II/2014. Tại Đại hội
đồng cổ đông cuối tháng 4 vừa qua, Hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Đầu
tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đã thống nhất
phương án đầu tư kinh doanh Khu chung cư Văn La - Văn Khê (Hà Đông, Hà
Nội).
Theo đó, Dự án đã được Sudico hoàn thành giải phóng mặt bằng từ nhiều
năm trước với định hướng xây dựng các toà chung cư cao cấp. Nhưng đến
thời điểm này, Hội đồng cổ đông Sudico quyết định xin TP. Hà Nội chuyển
đổi quy hoạch từ chung cư cao cấp thành chung cư bình dân để đưa ra các
sản phẩm phù hợp về diện tích và giá tiền với khách hàng bậc trung. Các
sản phẩm có thể được bán ra từ đầu năm 2015.
Một công ty khác là Vinaconex, sau nhiều năm không khởi công các dự án
bất động sản mới, cũng quyết tâm khởi động Dự án Vinata Tower (phường
Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty
Vinaconex cho biết, Dự án đã được Thành phố chấp thuận cho đầu tư. Ở dự
án này, Vinaconex liên doanh với đối tác Nhật Bản theo tỷ lệ 70:30 (Việt
Nam chiếm 30%). Sau khi hoàn tất các thủ tục, nộp tiền sử dụng đất, hai
bên có thể khởi công vào cuối năm nay và đầu năm 2015 sẽ có hàng bán ra
thị trường.
Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định, số lượng
giao dịch của thị trường bất động sản đã tăng lên, trong bối cảnh nền
kinh tế khá ổn định và lãi suất thị trường đã giảm xuống mức thấp nhất
trong 8 năm qua. Tại TP.HCM, trong khi phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở
cao cấp ghi nhận lượng bán hàng tăng trưởng tốt, thì tại Hà Nội, phân
khúc trung cấp có nhiều tín hiệu tích cực nhất. Những dự án thuộc nội đô
thành phố, hoặc các khu vực lân cận trung tâm, nơi cơ sở hạ tầng đã
hoàn chỉnh sẽ là những dự án có triển vọng bán hàng tốt nhất trong những
tháng tới đây.
Theo Đầu tư