Sau mỗi phiên chào bán, giá một số dự án chung cư trung và cao cấp liên tiếp có những đợt tăng giá. Trong khi đó, người môi giới bất động sản (BĐS) chính thức và bán chuyên gia tăng với số lượng chóng mặt.
Báo cáo thị trường tháng 11/2015 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho biết, một số dự án chung cư trung và cao cấp đang triển khai có vị trí đẹp, tiến độ nhanh được nhiều khách hàng quan tâm.
Theo đó, các đợt mở bán của những dự án này thu hút rất nhiều khách hàng. Giao dịch đất nền, nhà phố cũng tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2014. Tại các khu vực đang có hạ tầng phát triển như quận 2, quận 9, quận Thủ Đức,... thị trường địa ốc ghi nhận giao dịch thành công tăng nhiều.
Tháng 11/2015, giá nhà ở tương đối ổn định. Một số dự án tại các khu vực hạ tầng đầy đủ, đảm báo đúng tiến độ... có giá chào bán tăng nhẹ. Giá căn hộ chung cư tại thị trường Hà Nội phần lớn ổn định. Các dự án đang hoàn thiện, với vị trí tốt giá tăng khoảng 1 -3% như khu vực quận Thanh Xuân, quận Hà Đông.
Trong khi đó, phân khúc biệt thự, nhà liền kề tại một số khu vực có giá tăng nhẹ. Trong những tháng gần đây, giá nhà ở tại Tp.HCM tương đối ổn định, ít biến động, một số dự án sắp hoàn thành có hạ tầng tốt có giá tăng nhẹ, mức giá tăng chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp. Đơn cử như dự án Mastery Thảo Điền và The Sun Avennue ở quận 2, hay dự án Mega Residence tại quận 9..
Báo cáo của VnREA cho hay, nghề môi giới địa ốc lại 'lên ngôi'. Nhiều nhân viên môi giới BĐS quay lại với nghề sau thời gian 'giải nghệ' do thị trường khủng hoảng. Do đó, lực lượng nhân sự làm công việc này ở nhiều sàn giao dịch đang gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, chất lượng nhân viên môi giới BĐS hiện còn yếu.
Kinh doanh dịch vụ địa ốc đã hiển nhiên được thừa nhận là một ngành nghề hợp pháp hiện nay. Trong bối cảnh thị trường đang phục hồi, đội ngũ tư vấn - môi giới tham gia ngày càng đông đảo. Song, trong khi số lượng môi giới chính thức hoặc cộng tác bán thời gian cho các sàn phân phối ở Hà Nội có thể đạt quân số 'sư đoàn' nhưng chất lượng vẫn chưa tương xứng, hơn nữa cơ chế kiểm soát cũng chưa rõ ràng.
Nhân viên môi giới, tư vấn BĐS ngày càng đông đảo khi thị trường địa ốc
phục hồi tích cực. (Nguồn ảnh: Minh Tú).
Cùng với tỷ lệ tồn kho giảm mạnh, hiện nay nguồn cung thị trường tiếp tục dồi dào với các dự án cao cấp và trung cấp. Nhưng điều đáng lo ngại là, căn hộ bình dân, giá rẻ tại Tp.HCM lại đang khan hàng.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Tp.HCM, trong 9 tháng qua không có hồ sơ mới xin chuyển đổi nhà ở thương mại diện tích lớn thành diện tích nhỏ. Trong khi đó, những dự án căn hộ nhỏ, mức giá phải chăng trên thị trường đều đã bán hết hàng. Vì thế, trong thời gian tới, phân khúc này đang phải đối mặt với nguy cơ khan hàng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường BĐS Tp.HCM hiện có tới 20% là nhà đầu cơ và người đầu tư ngắn hạn. Tuy thị trường phục hồi tốt từ cuối năm 2014 đến nay, nhưng bắt đầu xuất hiện nghịch lý đáng lo ngại là giá nhà đang tăng tỷ lệ thuận với nguồn cung.
Theo một số chuyên gia, khách mua chờ đợi chủ đầu tư giảm giá thêm ở mảng BĐS là không dễ chút nào, ngoại trừ những nhà đầu tư thứ cấp hầu như trắng tay sau đợt khủng hoảng vừa qua phải bán rẻ để trả nợ. Mặt khác, lo sợ thương hiệu sẽ đi xuống cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp rất khó giảm giá căn hộ.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra nhiều ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước cảnh báo về việc thị trường địa ốc Việt Nam đang diễn biến phức tạp và khó lường. Theo đó, doanh thu của các doanh nghiệp không tăng, thậm chí là có sự sụt giảm nhẹ do nguồn cung nhiều và cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Giới chuyên gia khuyến cáo, đầu tư BĐS tại Việt Nam không thể nhanh và vội được. Thế nên, các nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn và làm việc cần mẫn trong một thời gian dài. Mặc dù biên độ lợi nhuận địa ốc hiện khoảng 20% nhưng trước khi nghĩ về con số này cần quan tâm lối thoát hiểm và kiểm soát rủi ro.