Số lượng giao dịch bị 'bóp méo', các thông tin về dự án không chính xác khiến khách hàng lẫn doanh nghiệp và cả chuyên gia không biết đâu là bộ mặt thật của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay.
Có nhu cầu tìm mua một căn hộ chung cư nên anh Tuấn (Cầu Giấy) đã đến các sàn giao dịch và tìm hiểu các thông tin từ internet để đưa ra quyết định. Nhưng, sau khi tiếp cận các nguồn thông tin từ các dự án khác nhau, với luồng thông tin mỗi nơi một khác khiến anh cảm thấy như bị tung hỏa mù, "không biết đâu mà lần".
Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi rất thích một dự án bởi giá cả và vị trí phù hợp. Tôi được nhân viên của đơn vị phân phối dự án quảng cáo các tiện ích và những ưu đãi nghe rất hấp dẫn. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu tôi lại thấy có thông tin nói dự án chưa có giấy phép xây dựng song vẫn làm lễ khởi công và rao bán đón đầu. Với một số dự án khác thì giá bán mỗi nơi không giống nhau, hơn nữa sàn nào cũng quảng cáo mình là đơn vị độc quyền phân phối của chủ đầu tư".
Không những thế, anh Tuấn còn như lạc vào ma trận rao bán của nhân viên kinh doanh và môi giới các sàn BĐS. Anh Tuấn cho biết: "Đến dự án nào họ cũng giới thiệu con số giao dịch rất lớn, có nơi lên đến 100% sau mỗi lần mở bán. Khi hỏi căn nào họ cũng bảo đã bán hết và nếu muốn mua lại phải chịu giá chênh từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi căn".
Khó khăn nhất của anh khi đó là tìm kiếm một nguồn thông tin chính thống, khách quan để kiểm chứng. Anh Tuấn phải nhờ một người quen làm trong lĩnh vực BĐS tìm hiểu thông tin và tư vấn rồi mới đưa ra quyết định.
Số liệu thống kê và những thông tin trên thị trường BĐS hiện thiếu chính xác
và có sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị. (Nguồn ảnh: Anh Quân).
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng ông Phạm Sỹ Liêm đánh giá, việc quảng cáo khác xa so với thực tế, tiếp thị quá mức và những thông tin không minh bạch của doanh nghiệp như số tầng còn hàng, số căn... là những vấn đề lớn mà thị trường BĐS Việt Nam đang gặp phải. Báo cáo của Công ty tư vấn BĐS John Lang LaSalle vừa công bố cho biết, Việt Nam đứng thứ 68 trong bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch BĐS toàn cầu với trị số điểm tuyệt đối thuộc nhóm có độ minh bạch thấp.
Bên cạnh dự án thiếu minh bạch, những thông tin toàn cảnh về thị trường BĐS cũng rất khác nhau. Ngoài thống kê của Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng công bố thì một loạt các đơn vị tư vấn, hiệp hội (CBRE, Cushman&Wakefield, Savills, JLL...) đều cung cấp báo cáo của riêng mình trong mỗi định kỳ. Điều đáng nói là, các thông tin này không những không hề trùng khớp nhau mà còn có sự chênh lệch tới vài lần.
Minh chứng là, trong báo cáo thị trường quý II/2015, số liệu căn hộ đã giao dịch tại Tp.HCM do Savills thống kê là 5.000 căn, con số này chỉ bằng một nửa so với con số của CBRE. Trong khi thống kê của Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS lại cho biết chỉ có khoảng 1.700 giao dịch thành công, nghĩa là chỉ bằng 1/3 so với dữ liệu của CBRE. Thứ nữa, các số liệu hàng tồn kho theo công bố của các tổ chức trong nhiều kỳ báo cáo cũng có sự vênh lớn.
Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Ông Nguyễn Văn Đực nhận định, từ lâu thị trường BĐS Việt Nam rất 'đói' thông tin chính xác mà 'bội thực' các dữ liệu thiếu chính xác, dữ liệu sai.
Theo ông Đực: "Việc một dự án vừa mở bán mà công bố giao dịch thành công 70-80% là thông tin đúng hay sai, thật khó để kiểm chứng. Một khi thiếu thông tin hoặc bội thực thông tin sai đều rất nguy hiểm cho thị trường, khách hàng, cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp".
Có cùng quan điểm trên, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, không riêng với số lượng giao dịch mà tất cả những thông tin giới thiệu, quảng cáo của chủ đầu tư hiện nay đều rất khó kiểm chứng. Ông Liêm cho biết: "Dự án nào cũng thấy quảng cáo 80-90% khách mua trong ngày mở bán. Tuy mục đích tiếp thị, quảng cáo đã rõ nhưng con số thực là bao nhiêu thì chỉ chủ đầu tư mới biết được. Tuy các công trình, hệ thống tiện ích, hạ tầng cũng được tâng bốc là đẹp như mơ nhưng khi cư dân về ở lại không đúng như vậy nên việc tranh chấp, khiếu nại là điều khó tránh.
Đối với những thông tin thống kê thị trường sai lệch, được công bố tràn lan, ông Liêm nhìn nhận, điều này sẽ tác động không nhỏ đến mọi đối tượng. Theo lý giải của ông Liêm: "Doanh nghiệp nếu dựa vào thông tin đó để ra quyết định đầu tư thì dễ dẫn đến tình trạng lựa chọn phân khúc không phù hợp, từ đó mất cân bằng cung cầu như từng xảy ra. Trong khi khách hàng nghe bảo bán hết, bán sắp hết nên lao đầu đi mua, dẫn tới bong bóng nhà đất".
Thực tế cho thấy, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên thị trường BĐS đã nhiều lần được các chuyên gia, các cơ quan quản lý đưa ra để bàn thảo. Mới đây, Chính phủ đã có Nghị định về việc xây dựng và quản lý các thông tin về nhà ở và thị trường địa ốc. Hệ thống này sẽ được xây dựng và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương để cung cấp cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức phục vụ công tác quản lý nhà nước và công bố các chỉ tiêu trong lĩnh vực BĐS. Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng rằng, đây sẽ là cơ sở để minh bạch hóa thông tin trên thị trường nhà đất.
Nhưng theo ông Nguyễn Văn Đực, kể cả cơ quan quản lý cũng rất khó để biết và có được một cách chính xác thông tin về sản phẩm cũng như tốc độ bán hàng của các doanh nghiệp.
Ông Đực nhận định: "Trong bối cảnh hiện nay thì cả cơ quan quản lý hay đơn vị nghiên cứu đều thống kê dựa vào báo cáo của doanh nghiệp. Nếu chủ đầu tư báo cáo không đúng hay các đơn vị bán hàng dùng các dữ liệu ảo để cung cấp thì vẫn rất khó để đong đếm". Ông Đực cho hay, ở các quốc gia khác, việc thống kê đơn giản và dễ kiểm soát hơn bởi tất cả các giao dịch trên thị trường đều phải thông qua ngân hàng.