Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) biết, tính đến cuối tháng 3/2014, tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng 3.95%. Cùng thời điểm, tín dụng của toàn hệ thống chỉ tăng 0,5%. Như vậy, tín dụng bất động sản tăng cao gấp gần 8 lần mức chung của toàn hệ thống.
Bà Hồng cho hay, đến 20/4, tín dụng toàn hệ thống chỉ nhích lên
0,62%. Thông thường tăng trưởng tín dụng tăng mạnh bắt đầu từ quý II
hàng năm, nên nhiều khả năng cuối tháng 4/2014, tín dụng toàn hệ thống
sẽ đạt khoảng 1%, xấp xỉ mức tăng 4 tháng đầu năm 2013. Riêng tín dụng
bất động sản 3 tháng đầu năm đã tăng gần gấp ba so với cùng kỳ năm
ngoái. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2013, tín dụng bất động sản chỉ tăng
1,09%.
|
Chính phủ đã có nhiều giải pháp để phục hồi thị trường bất động sản. Nguồn: internet |
So với các ngành kinh tế khác, thậm chí với cả các lĩnh vực ưu tiên,
rõ ràng tín dụng bất động sản đang có tốc độ tăng trưởng khả quan hơn
rất nhiều. Cụ thể, tính đến 31/3, tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn
tăng khoảng 1,15% so với 31/12/2013. Tín dụng đối với lĩnh vực công
nghiệp hỗ trợ (tính đến 28/2) chỉ tăng tăng 0,86%, tín dụng cho vay xuất
khẩu tăng 1,14%. Đặc biệt, tín dụng với doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn
tiếp tục giảm với mức giảm 1,58% so với cuối năm 2013.
Trong các lĩnh vực ưu tiên, chỉ có dư nợ cho vay lĩnh vực doanh
nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tăng mạnh (đến 28/2 tăng 4,73% so với
cuối 2013). Tuy nhiên, con số này là dễ hiểu vì trước đây các ngân hàng
hầu như chưa cho vay lĩnh vực này.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, một trong
những trọng điểm tín dụng của NHNN thời gian tới là sẽ triển khai liên
kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng cơ bản trên cơ sở kiểm soát dòng tiền,
hạn chế rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực này. Đồng thời, sẽ hoàn thiện
thỏa thuận hợp tác giữa các ngân hàng và tiến hành ký kết triển khai cho
vay liên kết 4 nhà.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để phục hồi thị trường
bất động sản. Hiện thị trường cũng đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu
ấm lên. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cảnh báo, NHNN cần kiểm
soát lượng vốn chảy vào bất động sản, tránh tình trạng quá đà như đã
từng xảy ra trước đây.