Vừa qua, Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề xuất đưa khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vào quy hoạch các điểm kinh doanh casino tại Việt Nam.
Được biết, trong một văn bản phúc đáp về chủ trương đưa khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô của tỉnh Thừa Thiên - Huế vào quy hoạch casino của Việt Nam, hiện cả nước có 7 dự án kinh doanh casino được cấp phép theo từng dự án riêng biệt, Bộ Xây dựng cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có quy hoạch các điểm kinh doanh casino của Việt Nam. Do đó, việc đưa khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vào quy hoạch các điểm kinh doanh casino của Việt Nam như đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế là chưa đủ căn cứ để được xem xét.
Trong khi đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lại cho rằng việc đưa khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vào quy hoạch casino Việt Nam là điều kiện quan trọng để thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn từ những nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính cùng kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch.
Bên cạnh đó, một cơ sở khác để UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất được cấp phép kinh doanh casino tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là đã có một số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh rất quan tâm đến đầu tư khu du lịch, dịch vụ, giải trí kinh doanh tổng hợp có kinh doanh casino như Công ty TNHH Laguna Việt Nam hay Tập đoàn quốc tế World Shine Hong Kong.
Hiện Công ty TNHH Laguna Việt Nam (thuộc Tập đoàn Banyan Tree Holdings Limited, Singapore) đã đầu tư Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô với tổng vốn đầu tư đăng ký 875 triệu USD, giai đoạn 1 đã giải ngân 250 triệu USD, với diện tích đất dự án 280 ha. Công ty TNHH Laguna Việt Nam đang làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh casino.
Còn Tập đoàn quốc tế World Shine Hong Kong và một số đối tác nước ngoài khác cũng đang hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án xây dựng khách sạn 5 sao vào khu kinh tế Lăng Cô - Chân Mây với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD và cũng đang đề xuất được cấp phép kinh doanh casino trong phạm vi dự án.
Theo đánh giá của tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu vực Chân Mây - Lâng Cô có
nhiều điều kiện để thu thút đầu tư casino. (Ảnh: Vietnam Tourism)
Trước đó, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được thành lập năm 2006 theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg và được xác định là khu kinh tế ven biển trọng điểm với nhiều lợi thế để xây dựng thành một trung tâm giao thương quốc tế, một trung tâm vận tải biển, khu đô thị hiện đại và là một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Hiện tại, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã có 25 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với số vốn đầu tư đăn ký là 34.100 tỷ đồng (chiếm 89% tổng vốn đầu tư), với vốn thực hiện đạt khoảng 12.000 tỷ đồng.
Khu kinh tế này được đánh giá có vị trí chiến lược quan trọng, với vị trí nằm giữa 2 thành phố Đà Nẵng và Huế, khoảng cách đến sân bay quốc tế Đà Nẵng 35km, cách sân bay quốc tế Phú Bài 45km, nằm trên trục giao thông Quốc lộ 1A, cảng nước sâu Chân Mây và đường sắt Bắc -Nam. Có thể nói, đây là nơi phân phối và lan tỏa khách du lịch cho cả khu vực miền Trung.