Nếu trước đây, người dân hướng tới các BĐS nội đô, thì nay đích ngắm của nhiều người là mua nhà ngoại thành với giá rẻ và chờ đợi sự hoàn thành của tuyến đường sắt trên cao.
|
Mua đất ngoại thành, đợi chờ Metro |
Anh Thắng (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) có nhu cầu mua nhà khoảng 1 tỷ đồng. Sau khi xem xét, anh đã quyết định mua đất tại Hà Đông. Theo tính toán của anh Thắng, gia đình anh sẽ phải vất vả hơn trong việc di chuyển vào nội thành nhưng chỉ nay mai khi tuyến đường sắt trên cao hoạt động, chắc chắn việc đi lại sẽ thuận lợi hơn. Và đặc biệt khi đó giá đất sẽ lên rất cao.
Đi trước để đón đầu các dự án giao giao thông không còn là chuyện mới nhưng tại thời điểm hiện tại, khi thị trường BĐS xuống dốc, đại đa số người mua đều là những người có nhu cầu thực sự và hiện tượng đầu cơ cũng không còn nhiều.
Tại các điểm đầu của tuyến đường sắt trên cao, giá BĐS đang ở mức rất hợp lý. Ví dụ tại khu vực Yên Nghĩa, giá đất là khoảng 15 triệu đồng/m2. Ước tính một lô đất có diện tích 50m2 đã phân lô xây thô được chào bán với giá 1 tỷ đồng. Còn những mảnh đất 30m2 tại khu vực trong làng có giá là 500 triệu đồng. Khách hàng tìm mua loại nhà đất giá rẻ này chủ yếu là người tỉnh lẻ, có mức thu nhập trung bình. Thời gian qua, do nhu cầu mua tăng đã có không ít dân đầu cơ tranh thủ đẩy giá lên cao.
Năm 2008, khi khu đô thị của Nam Cường bắt đầu khởi công, cùng với quy hoạch của đường vành đai 4, giá đất Yên Nghĩa sốt sình sịch theo từng ngày. Đã có thời điểm giá lên tới 50 triệu đồng/m2.
Thông thường hạ tầng sẽ tác động mạnh đến các dự án qua các giai đoạn: quy hoạch, khởi công và hoàn thiện. Hiện nay, Metro đã được quy hoạch, đây chính là giai đoạn tăng mạnh cả về giá cả lẫn số lượng giao dịch. Tiếp theo, khi dự án được khởi công, giá BĐS tại những khu vực này sẽ tiếp tục tăng nhẹ. Đến giai đoạn hoàn thiện thì hầu như sẽ không có nhiều biến động về giá nhưng số lượng giao dịch tăng lên đáng kể.
Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt chạy xuyên thành phố. Các tuyến đường sắt này sẽ là một trong những đòn bẩy giúp phát triển kinh tế nói chung và BĐS nói riêng. Đặc biệt, các dự án ở cửa ngõ như Hà Đông, Quốc lộ 32 sẽ thu hút người dân, mở rộng khu dân cư. Nhờ những cú hích về hạ tầng mà các dự án BĐS tại Hà Đông, Hoài Đức thi nhau công bố mở bán.
Bà Ngô Hương Giang, Savills Hà Nội cho rằng, Metro là một công trình hạ tầng trọng điểm của Hà nội. Vì vậy, ngay từ khi quy hoạch dự án được công bố, thị trường BĐS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công trình này giúp gia tăng giá trị thặng dư cho BĐS, đồng thời gián tiếp kích cầu cho thị trường này. Dự án đã tác động rất nhiều tới niềm tin của chủ đầu tư và khách hàng thì sẵn sàng bỏ tiền để mua được BĐS phù hợp với nhu cầu.
Đó là những kỳ vọng của các chủ đầu tư và người mua, nhưng đến nay các dự án Metro vẫn liên tục lỡ hẹn. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ vì đang gặp nhiều vướng mắc trong việc GPMB. Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội cũng không thể hoàn thành đúng thời hạn vì gặp vấn đề tương tự. Theo dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2017, nhưng chắc sẽ phải kéo đến tận tháng 11 năm 2018.