TPHCM: Bất động sản thu hút nhiều vốn FDI nhất

  29/08/2014 - 05:10

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, từ đầu năm đến nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ cao nhất so với các lĩnh vực khác..

Trong 6 tháng đầu năm nay, lịnh vực bất động sản dẫn đầu thu hút vốn FDI ở TPHCM. Ảnh minh họa: Hùng Lê


Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết các dự án đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhằm đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới sau một thời gian dài trầm lắng.

Cụ thể theo ông Rê, trong 6 tháng qua thành phố thu hút được 1,08 tỉ đô la Mỹ vốn FDI, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó lĩnh vực bất động sản thu hút được khoảng 386 triệu đô la Mỹ, chiếm gần 40% tổng vốn FDI cam kết vào thành phố.

Trong khi đó, công nghiệp chế biến chế tạo - lĩnh vực luôn dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI của những năm trước, đã rơi về vị trí thứ 2 và đạt 234 triệu đô la Mỹ (chiếm 24,15%).

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng qua chỉ có 5 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản được cấp phép.

Đáng chú ý là dự án đầu tư của Công ty TNHH Bay Water - liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và một đối tác nước ngoài để phát triển dự án khu căn hộ và trung tâm thương mại ở quận Bình Thạnh, có nguồn vốn đầu tư lên đến trên 200 triệu đô la Mỹ. Một nguồn tin riêng có thẩm quyền cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn biết Công ty TNHH Bay Water gồm ba đối tác là Công ty cổ phần Xây dựng số 5 (góp 26% vốn); Công ty TNHH Đầu tư Sa To (góp 26% vốn) và đối tác nước ngoài là Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate Limited (góp 48% vốn còn lại).

Dự án Công ty TNHH Villa Arcadia với tổng vốn đầu tư đăng ký 102 triệu đô la Mỹ do Công ty Antiaris Pte Ltd của Singapore liên doanh với Công ty TNHH Tiến Phước xây dựng khu nhà ở để bán và cho thuê.

Các chuyên gia trong ngành đánh giá thị trường bất động sản trong nước đang ở giai đoạn vừa "chạm đáy" và có những dấu hiệu phục hồi, nên các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng...

Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, dòng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư trong khu vực còn nhiều và họ đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... Cụ thể Việt Nam đang ở điểm đáy của chu kỳ bất động sản, trong khi nhiều thị trường khác ở châu Á lại nằm ở đỉnh của chu kỳ, và có thể giảm trong vài năm tới. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam là điểm đến quan trọng cho việc đầu tư bất động sản tại khu vực Đông Nam Á và chúng tôi tiếp tục nhận thấy nhu cầu từ nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và các nơi khác", ông MacGregor nói.

Mặt khác giới phân tích đánh giá rằng giá bất động sản trong nước đến nay đã giảm 50% (kể  từ năm 2007 đến nay), đồng thời hàng loạt chủ đầu tư đeo bám các dự án bất động sản đến thời điểm này đã không còn khả năng tài chính để đeo tiếp và đây là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.

Từ năm 1988 đến nay, trên địa bàn TPHCM có 5.072 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 34,33 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm nhiều vốn đầu tư nhất với 12,6 tỉ đô la Mỹ (chiếm 36,88%) trong 243 dự án được cấp phép. Tiếp đó là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 1.524 dự án có tổng vốn đăng ký là 10,44 tỉ đô la Mỹ (chiếm 30,43%). Đứng thứ ba là lĩnh vực giáo dục, đào tạo với 90 dự án với số vốn đăng ký là 3,7 tỉ đô la Mỹ (chiếm 10,8%).


Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM

Theo TBKTS
(Theo )

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu