Khu vực trung tâm Tp.HCM thường xuyên kẹt cứng vào giờ cao điểm trong khi TP đang triển khai hàng loạt giải pháp chống ùn tắc tại các cửa ngõ. Lý do là, các tòa nhà thiếu chỗ đỗ xe khiến ô tô dừng đỗ dày đặc hoặc lưu thông lòng vòng trên đường.
Ô tô đỗ tràn cả hai chiều trên đường Hải Triều (quận 1, Tp.HCM). Ảnh: H.T.
Dừng, đỗ trái phép ngay dưới biển cấm
Hiện nay, Tp.HCM, các tuyến đường nội đô có mặt đường khá hẹp, nhất là những tuyến đường chạy xuyên qua trung tâm TP luôn có mật độ lưu thông rất cao vào giờ cao điểm. Thực tế cho thấy, tình trạng xe ô tô dừng đỗ tràn lan chiếm hết một phần mặt đường càng gây khó khăn hơn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, vào buổi chiều, tại các tuyến đường như Lê Thánh Tôn, Trần Trọng Cung, Lý Tự Trọng,… (quận 1), có rất nhiều phương tiện dừng đỗ ngay dưới biển cấm dừng đỗ nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý. Cụ thể, tại đoạn đường Lê Thánh Tôn từ góc Trương Định ra đường Phạm Hồng Thái có biển cấm dừng đỗ ngay góc Trương Định nhưng nhiều xe ô tô vẫn đậu kín làn đường bên phải khiến các phương tiện tham gia giao thông qua đây gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, những chiếc ô tô này đậu nối đuôi nhau khiến người đi xe máy không còn lối đi phải lấn qua làn đường bên trái, chạy chung làn với xe ô tô.
Tuyến đường Lý Tự Trọng là đường huyết mạch để lưu thông từ trung tâm TP ra đường Đinh Tiên Hoàng hướng ra ngoại thành. Đoạn từ vòng xoay ngã 6 Phù Đổng đến giao lộ Trương Định có mặt đường khá chật hẹp và tại đầu các giao lộ đều có biển cấm dừng đỗ, thế nhưng không ít ô tô vẫn ngang nhiên đỗ từ trên vỉa hè xuống lòng đường. Thậm chí, nhiều người tìm cách lách luật bằng cách bật đèn xi nhan hoặc đèn khẩn cấp nhưng dừng nửa tiếng vẫn không di chuyển đi nơi khác.
Theo Chủ tịch UBND phường Bến Thành (quận 1), ông Võ Nguyên Khanh, lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử lý tình trạng dừng đỗ lấn chiếm lòng lề đường nhưng gặp nhiều khó khăn vì ý thức của người dân chưa cao. Nhiều người tái phạm ngay sau khi lực lượng chức năng rời đi.
Trong khi đó, tuyến đường Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) là điểm nóng về việc dừng đỗ xe, nhất là xe khách do dọc đường này có văn phòng của nhiều hãng xe khách chạy tuyến Tp.HCM - Vũng Tàu. Tuy lực lượng chức năng đã cắm biển cấm dừng, đỗ với xe trên 9 chỗ nhưng các nhà xe “lách” bằng cách cho xe ô tô 7 chỗ tấp vào dừng đỗ đón khách.Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), ông Nguyễn Chí Việt cho biết, phường thường xuyên tổ chức kiểm tra xử phạt hàng loạt phương tiện dừng đỗ trái phép. Phường đã lập biên bản 6 ô tô dừng đỗ trái phép trong ngày 21/2/2017.
Ô tô đỗ dưới biển cấm gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
(Ảnh: Ngô Bình).
Cao ốc thiếu tầng hầm đậu xe
Tại Tp.HCM hiện nay, nhiều cao ốc, khách sạn, nhà hàng, cơ quan tại trung tâm TP không có hoặc thiếu bãi đỗ xe ô tô. Chẳng hạn, một số khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) chỉ có bãi xe hai bánh dưới tầng trệt và không có tầng hầm chứa ô tô. Vì thế, ô tô các loại đỗ tràn xuống lòng đường mỗi khi tổ chức sự kiện, khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn.
Trụ sở UBND Tp.HCM cũng không đủ chỗ đỗ xe. Do đó, UBND TP đã trưng dụng một tầng hầm của khách sạn Rex gần đó để đỗ ô tô và xe máy của cán bộ, công nhân viên. Trong khi đó, mỗi ngày, UBND TP tổ chức nhiều cuộc họp. Khách đến liên hệ công tác hoặc dự họp, hội nghị tổ chức trong trụ sở đều phải đỗ ô tô phía trước công viên tượng đài Bác Hồ, cản trở giao thông trên tuyến đường Lê Thánh Tôn.
Hàng loạt cao ốc văn phòng mọc lên trên một số tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Lê Thị Riêng, Lê Thánh Tôn (quận 1),…. Tuy nhiên, rất ít cao ốc có tầng hầm đỗ xe ô tô. Hiện khu vực trung tâm TP có rất ít các bãi giữ xe. Thế nên, hành lang tòa nhà, lòng đường thành bãi đỗ xe bất đắc dĩ, khiến tình trạng ùn tắc giao thông nội đô ngày một nghiêm trọng.
Sở Xây dựng Tp.HCM cho hay, trong 79 công trình cao ốc trong khu trung tâm TP chỉ có 14 công trình đủ chỗ để xe, 59 công trình không đủ diện tích và 6 công trình không có chỗ để xe. Bàn về vấn đề này, theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, quy định hiện nay bắt buộc các công trình cao ốc phải có tầng hầm đỗ ô tô và xem yếu tố này là một trong những quy chuẩn bắt buộc để cấp phép xây dựng. Song, trên thực tế, nhiều cao ốc xây dựng từ trước năm 1975 đều không thiết kế tầng hầm chứa xe ô tô. Hiện Tp.HCM đang chịu áp lực rất lớn về bãi đỗ xe, nhất là ô tô.
Trong khi đó, một số chuyên gia đô thị cho rằng, đối với công tác quản lý chỗ đậu xe, cần phải có các quy ước buộc chủ đầu tư phải trình bày được phương án bố trí chỗ đậu xe khả thi chứ không thể đẩy hết trách nhiệm giải quyết hạ tầng giao thông và chỗ đậu xe cho chính quyền địa phương.