Mới đây, UBND Tp.HCM đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với 12 dự án chống ùn tắc giao thông.
Đầu tư hạ tầng, phát triển giao thông tại Tp.HCM là vấn đề cấp bách hiện nay.
Việc đầu tư thêm hạ tầng để phát triển giao thông Tp.HCM là điều tất yếu bởi đây là vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết hiện nay.
Cụ thể, 12 dự án chống ùng tắc giao thông gồm: Dự án xây dựng đoạn tuyến vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu (tên cũ là cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông) đến xa lộ Hà Nội (gồm cả nút giao thông Bình Thái); dự án xây dựng đoạn tuyến vành đai 2, đoạn từ nút giao thông An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh; dự án xây dựng đoạn tuyến vành đai 2, đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng; dự án xây dựng đường trên cao số 1; dự án xây dựng cầu Cần Giờ; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22; dự án đường trục Bắc - Nam (từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh); dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4; dự án đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến KCN Hiệp Phước); dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá thuộc Công viên văn hóa Tao Đàn; dự án xây dựng Trung tâm điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh tại Tp.HCM; dự án nạo vét, khai thông tuyến rạch Ông Nhiêu.
Cùng với, đó, Tp.HCM cũng kiến nghị cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (hình thức rút gọn) đối với bước lập dự án, khảo sát, thiết kế và chỉ định thầu bước thi công xây dựng dự án xây dựng cầu qua đảo Kim Cương (đường ven sông Sài Gòn, đoạn từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ) và dự án xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã sáu công trường Dân Chủ.