Tp.HCM: Nhà đất không giấy tờ pháp lý vẫn "đắt như tôm tươi"

  28/04/2017 - 08:56

Hiện nay, tại Tp.HCM, giá nhà đất ở các huyện, quận vùng ven đang nhảy múa từng ngày. Điều đáng nói là, không chỉ nhà đất có giấy tờ hợp pháp mới lên "cơn sốt" mà đất chưa có giấy tờ pháp lý hoặc còn mập mờ về pháp lý... cũng "đắt như tôm tươi".

Giao dịch nhà đất giấy tay sôi động

Trong vai người đi tìm mua bất động sản, chúng tôi đến một số huyện, quận vùng ven như quận 9, Hóc Môn, Thủ Đức… Đi tới đâu chúng tôi cũng được cò đất giới thiệu rất nhiều nhà đất giấy tờ pháp lý không đảm bảo với giá cao ngất ngưởng. Trong đó, phổ biến nhất là trường hợp nhà không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa, chủ đất bán cho người mua nhà bằng giấy tay rồi nhờ các văn phòng thừa phát lại lập vi bằng làm chứng.

Cụ thể, đến xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), khi chúng tôi vừa dừng lại tại một biển quảng cáo mua bán nhà đất trên đường Phan Văn Hớn, ấp 2 thì cò đất đã xuất hiện ngay trước mặt và đon đả giới thiệu. Biết khách có nhu cầu mua nhà đất giá dưới 1 tỷ đồng, môi giới này tự giới thiệu tên là Minh và cho biết: “Ở khu vực này mua nhà đất có giấy tờ đầy đủ thì khó tìm lắm, chủ yếu là nhà đất mua bán qua vi bằng thôi. Dạng này thì đầy nhóc”.

Cò đất dẫn chúng tôi vào một căn nhà mới xây nằm trong hẻm sâu tại ấp 2, anh Minh cho hay: “Nếu mua căn này thì phải đứng chung sổ với người khác”. Ngôi nhà rộng 21m2, mua bán qua giấy tờ tay nhưng được cò hét giá tới 750 triệu đồng.

Trong khi đó, tại dãy nhà với khoảng 20 căn, diện tích từ 3,5 x 11m trên đường XTT6-2 thuộc xã Xuân Thới Thượng chỉ còn duy nhất một căn đang được chào giá 930 triệu đồng. Khi thấy chúng tôi có vẻ chần chừ về giấy tờ pháp lý, môi giới tên Hoàng nói ngay: “Hiện nay Nhà nước đã cấp sổ cho nhà mua giấy tay đến năm 2008 rồi. Nhà mới xây sau này chỉ cần chờ thêm hai năm nữa là được cấp thôi, lo gì (!). Ở đây người ta mua xong đứng chung sổ hết, em mua mà không ở thì đầu tư cũng có lời to”.

nhà đất không giấy tờ vẫn đắt như tôm tươi
Nhà đất mua bán bằng giấy tờ tay tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. (Ảnh: HTD)

“Tháng trước có khách đã mua với giá 650 triệu đồng. Mua xong đã có người trả chênh lệch 100 triệu đồng nên bán luôn”, Hoàng chỉ căn nhà cuối cùng của dãy nhà trên và cho biết. Phóng viên đề nghị được xem tờ sổ chung thì cò đất đưa ra một tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất photo vẫn đứng tên chủ đất cũ, trong khi những người mua đất không hề được cập nhật lên cuốn sổ chung này.

Cò đất này thuyết phục: “Sau khi cùng chủ đất ra văn phòng thừa phát lại lập vi bằng, mỗi người mua nhà sẽ được cầm một bản vi bằng kèm theo một bản phôtô sổ hồng chung là xong! Hơn nữa, em theo dõi thông tin trên báo đài thì biết Hóc Môn sắp lên quận Gò Môn rồi nên giá nhà đất ở đây tăng nhanh lắm. Chần chừ là mất cơ hội ngay”.

Vẫn mua dù biết rủi ro

Khá nhiều dãy nhà trên đường Nguyễn Bình thuộc xã Phú Xuân (Nhà Bè) đã có dân cư vào ở. Vợ chồng anh Hải cho biết, gia đình anh đã chuyển đến sống ở căn nhà 30m2 tại đây được khoảng một năm.

Anh Hải chia sẻ: “Lúc mua nhà, chủ đất hứa 6 tháng sau sẽ có sổ dưới dạng đồng sử dụng cho mỗi căn. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi giấy tờ nhà đất ở đâu. Mua nhà kiểu này cũng hồi hộp lắm nhưng mình ít tiền, chỉ có thể mua được loại nhà ở theo kiểu này thôi”.

Giá nhà đất tại khu nhà chung sổ ở đường Tô Ngọc Vân thuộc phường Thạnh Xuân (quận 12) cũng đắt khách như tôm tươi. Sở hữu căn nhà đầu tiên trong dãy nhà trên, chị Nguyễn Thị Lệ cho biết, chị mới mua cách đây một năm. Với diện tích 3 x 11m, ngôi nhà có giá 650 triệu đồng.

Theo chị Lệ: “Giờ mà mua thì không còn giá này nữa đâu, đã lên 800-900 triệu đồng/căn rồi. Biết là giấy tờ không đầy đủ sẽ gặp phiền phức nhưng ít tiền nên cũng không có nhiều lựa chọn. Mà chọn riết rồi không có nhà để mà mua nữa thì khổ”.

Qua tìm hiểu được biết, nhiều khu đất hiện đang được rao bán là do nhà đầu cơ, cò đất đứng ra mua lại cả khu của người dân rồi phân lô bán nền. Họ mua để găm hàng, chờ giá cao bán lại. Trong khi đó, khách hàng bỏ tiền tỷ để mua đất dạng này và chờ nhiều năm nhưng vẫn không được chủ đầu tư giao đất hoặc có đất cũng không thể xây được nhà do vướng quy hoạch.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, các trường hợp mua bán thông qua văn phòng thừa phát lại làm chứng bằng cách lập vi bằng thật ra cũng là hình thức mua bán giấy tay. Những vi bằng được lập chỉ có giá trị làm chứng, không có giá trị như một hợp đồng mua bán, luật sư Hậu khẳng định.

Chính vì thế, khi có tranh chấp xảy ra, ra tòa thì văn bản này không thể thay thế hợp đồng mua bán, có công chứng của các phòng công chứng nhà nước hoặc văn phòng công chứng. Do đó, người mua sẽ hoàn toàn trắng tay. Luật sư Hậu khuyến cáo: “Người dân không nên mua bán nhà dưới dạng giấy tờ tay vì sẽ chịu rất nhiều rủi ro”.

Nhà đất không giấy tờ, giá vẫn cao ngất ngưỡng

Khảo sát của phóng viên cho thấy, phần lớn những căn nhà mập mờ về pháp lý, giấy tờ tay có diện tích 20-40m2, được xây khá kiên cố, gồm 1 trệt và 1 lửng. Cách đây khoảng 3 năm, những căn nhà dạng này có giá tầm 300-400 triệu đồng/căn thì nay đã bị hét giá lên tới 800-900 triệu đồng, thậm chí hơn 1 tỷ đồng/căn.

Tuy nhà đất đang được nhiều người tìm mua nhưng phân khúc này tiềm ẩn không ít rủi ro, vì thế, nếu người mua không tỉnh táo rất dễ dính bẫy của giới đầu cơ, nhiều chuyên gia cảnh báo.

Giám đốc một công ty bất động sản cho biết: “Đất nền tiềm ẩn rủi ro cao về tính pháp lý. Đó là tình trạng chung sổ, có đất nhưng không thể xây dựng do vướng quy hoạch, chủ dự án chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, đất đang có tranh chấp…”.

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, thời gian gần đây đang xuất hiện việc thổi giá khiến thị trường đất nền ở các huyện, quận vùng ven và khu vực lân cận Tp.HCM tăng nóng một cách bất thường. Giá nhà bị đẩy lên cao sẽ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ người đầu cơ nhưng sẽ gây hại lớn cho cả thị trường, nhất là những người có nhu cầu mua để ở.

(Theo Pháp luật Tp.HCM Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu