Hôm qua (19/8), việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đồng USD, cộng với thị trường vàng trong nước đã tăng vượt ngưỡng 35 triệu đồng/lượng có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đã có hiệu lực từ 1/7 với quy định cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thời gian qua, khách hàng rất quan tâm tới dự án căn hộ cao cấp The Sun
Avenue tại quận 2, Tp.HCM. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
Là công dân Việt Nam sống tại thành phố Munich (Đức) và đang về nghỉ hè tại nhà bố mẹ đẻ ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ, nếu mua nhà vào thời điểm này, với tỷ giá như hiện nay ông sẽ gặp may.
Bà Nguyễn Hồng Thủy (Việt kiều ở Pháp) cùng chung quan điểm trên và tiết lộ, bà dự tính mua một căn hộ tại Hà Nội để cho thuê lại. Bà Thủy cho rằng, khoản tiền đầu tư bỏ ra không quá cao, số tiền này sẽ không mang lại lợi nhuận cao khi gửi tiết kiệm ngân hàng bởi lãi suất ở nước sở tại rất thấp. Việt kiều Pháp này dự định sẽ dành căn nhà này cho du khách Pháp thuê.
Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, ông Marc Towsend nhận định, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực đã tác động đến cả hoạt động đầu tư thương mại nước người tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, hiện các nhà đầu tư ngoại đang có tâm lý lạc quan vào thị trường BĐS thương mại Việt Nam.
Chuyên gia này cho rằng, nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc vào Việt Nam đang giữ ưu thế trong lĩnh vực BĐS. Hơn nữa, chi phí BĐS tương đối thấp so với lợi nhuận cho thuê là yếu tố giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư bất động sản quốc tế.