Vì đâu cùng một dự án ma vẫn có thể lừa bán được tới 4 lần?

  25/09/2019 - 11:00

Trong 3 năm hoạt động, địa ốc Alibaba đã rao bán 40 dự án "ma" cho gần 7.000 khách hàng, thu lợi hơn 2.500 tỉ đồng. Điều đáng nói, cùng một dự án không có thật được công ty này rao bán tới 4 lần nhưng vẫn có nhiều người đổ tiền vào mua chỉ vì ham lãi suất cao.

Rao bán 4 lần cùng một lô dự án không có thật

Được biết, một số dự án đất nền của Alibaba được chia làm 3 đợt rao bán và mỗi đợt lại được phân thành 2 đối tượng khách hàng là những người nhận nền và những người chỉ nhận lãi chứ không nhận nền.

Số tiền bán được trong giai đoạn 1 sẽ chia theo tỉ lệ 30-70. Trong đó, 30% sử dụng để làm hạ tầng đường, điện, nước, trồng cây... với mục đích dụ những người mua tiếp theo. Còn 70% được tính theo cách phân lô bán nền với giá bán mỗi nền đất được chia theo 100m3 nằm trong khoảng 3-10 triệu đồng/m2 và được tính là giá gốc.

dự án ma
Vì ham lãi suất cao nên nhiều người dù biết dự án ma nhưng vẫn đổ tiền đầu tư.

Khách mua đất ở giai đoạn 1 được xem là những người mua góp vốn với giá gốc, có trách nhiệm mời chào người khác mua giai đoạn 2 để hưởng được hưởng phần lãi suất cao.

Khoản tiền bán được trong giai đoạn 2 được chia theo tỷ lệ 20-80. Trong đó, 20% là đất nền do khách chọn, còn 80% là nhận lãi suất cao. Đối với những người mua chọn phương án nhận lãi suất sẽ kèm theo điều kiện Alibaba có quyền sử dụng nền đất đó.

Cách tính giá của những lô đất nền được bán trong đợt 2 là cộng giá gốc đã bán từ đợt 1 với mức lãi suất phải trả cho khách đã mua đợt 1 và 10% chi phí quản lý cho Alibaba. Đa phần khách mua đất nền trong đợt 2 này đều là bạn bè, người thân, hoặc đồng nghiệp của những người đã ký hợp đồng mua ở đợt 1. Sau khi dẫn dắt được khách hàng mua sản phẩm thành công trong đợt 2, những người mua đợt 1 sẽ được hưởng mức lãi suất lên đến 36%/năm.

Bước vào giai đoạn 3, Alibaba vẫn tiếp tục rao bán những lô đất trên và phân chia tỷ lệ giá bán theo nguyên tắc 30-70. Trong đó, 30% là nhận đất, còn 70% là hưởng lãi suất lên tới 38%/năm.

dự án ảo
Nhiều người đã đến cơ quan chức năng để tố cáo hành vi lừa đảo của địa ốc Alibaba sau khi lãnh đạo công ty này bị bắt.

Tương tự như đợt 2, công thức tính giá bán mỗi lô đất nền được tính bằng cách cộng dồn giá gốc của đợt 2 với khoản lãi phải trả cho khách mua trong đợt 2 và 10% chi phí quản lý của Aliababa. Đối tượng khách hàng mua đất nền đợt 3 chủ yếu là những người thân, bạn bè và đồng nghiệp của người đã mua trong đợt 2. Với hình thức mua bán như vậy, Alibaba tiếp tục tổ chức chào bán bán đợt 4 của dự án.

Kỳ lạ chuyện biết lừa vẫn lao vào

Điều kỳ lạ là dù biết các dự án do Alibaba rao bán đều không có thật, nhưng vẫn có nhiều người không đến cơ quan chức năng tố cáo mà vẫn đổ tiền vào suất đầu tư đã nhìn thấy rõ rủi ro trước mắt.

Ông N.V.T (ngụ tại quận Thủ Đức, TP.HCM), một người từng mua đất nền tại dự án ma của công ty Alibaba kể: "Khi mua dự án tôi hiểu là chỉ cần xuống tiền ký hợp đồng, không cần phải nhận đất. Sau đó, mời người thân bạn bè tham gia mua thì được nhận lãi suất cao. Nếu mời được nhiều người mua thì trong 1 năm có thể nhận lại mức lãi suất gấp đôi khoản tiền đã bỏ ra mua đất trước đó".

mánh khóe lừa đảo của Alibaba
Những người mua biết được mánh khóe lừa đảo của Alibaba nếu sớm tố cáo sẽ làm giảm được những hậu quả khôn lường.

Nhưng đối với những trường hợp có nhu cầu mua đất thực, nếu muốn nhận được đất cũng không hề dễ dàng, thậm chí là không nhận được. Nguyên nhân là vì các lô đất này đang thuộc quyền sở hữu của cá nhân, đa phần là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi thành phi nông nghiệp và chưa được cơ quan chức năng phê duyệt. Nhiều người vì biết điều này nên đã đồng ý nhận lãi suất cao chứ không nhận đất.

Chính vì hy vọng các lô đất ảo này sẽ được tổ chức bán lần 4, lần 5 và nhiều lần hơn nữa để kiếm được khoản lãi hấp dẫn nên nhiều người dù biết hành vi lừa đảo của Alibaba nhưng không chịu khởi kiện ra tòa. Chỉ cần lô đất rao bán thành công, họ không chỉ tống đi được gánh nặng mà còn có thêm một khoản lĩa suất cao từ công ty chi trả. Chính suy nghĩ và hành động này đã khiến những người mua đợt sau bị mắc cạn, mất tiền oan.

Cũng chính vì lý do đó mà suốt ba năm làm mưa làm gió với hàng loạt dự án mà cùng hàng nghìn người tham gia, nhưng Alibaba vẫn không hề bị bất kỳ một ai tố cáo cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc. 

(Theo Lao động)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu